Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Trường ĐH Ngoại thương tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế FOURA lần thứ 21

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong 2 ngày 25/11 và 26/11/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Hiệp hội Kế toán Học thuật Châu Á (Asian Academic Accounting Association - FourA) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế thường niên lần thứ 21 với chủ đề "Kế toán và phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi ở châu Á" (Accounting and Economic Development in Emerging Markets in Asia).

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ gần 50 cơ sở giáo dục, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của gần 40 diễn giả là các giáo sư và nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ hơn 30 trường đại học danh tiếng của Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia khác. Hội thảo cũng có sự hiện diện của các tổ chức, doanh nghiệp cùng các đại học có đào tạo ngành liên quan đến Kế toán - Kiểm toán như: ICAEW, SAPP, BISC, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, Trường ĐH Kinh tế - ĐH quốc gia, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Thuỷ Lợi, Trường ĐH Công đoàn, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Kiểm toán Nexia, MISA,..
Tham dự phiên khai mạc hội thảo, về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế; Trưởng/ Phó các đơn vị trong trường, cán bộ và giảng viên Nhà trường.
Hội thảo quốc tế FourA là một trong những sự kiện học thuật uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Năm nay, hội thảo diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế Châu Á đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, bao gồm sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, và xu hướng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế. Với 77 bài báo được chọn lọc kỹ lưỡng qua quá trình phản biện nghiêm ngặt, hội thảo trở thành diễn đàn trao đổi học thuật chất lượng, đóng góp nhiều khuyến nghị hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, cho các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức về nhiệm vụ, vai trò của Kế toán – Kiểm toán trong thời đại mới.


Phát biểu khai mạc, PGS, TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ niềm tự hào khi Trường ĐH Ngoại thương được lựa chọn là đơn vị tổ chức hội thảo lần thứ 21. PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò quan trọng của "Kế toán – Kiểm toán" trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực Châu Á đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, ông khẳng định việc tổ chức hội thảo này là một trong những hoạt động phù hợp với chiến lược phát triển của Nhà trường hướng tới mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, đưa Trường trở thành một trong những đại học hàng đầu tại Châu Á.


Mở đầu hội thảo, Giáo sư Shahrokh M. Saudagaran – Tổng Thư ký Hiệp hội FourA và Giáo sư tại ĐH Washington Tacoma, Hoa Kỳ – đã trình bày tham luận“The Accounting Graduate Supply Crisis in the US: Causes and Possible Remedies”. Ông phân tích cuộc khủng hoảng nguồn cung nhân lực kế toán tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây, chỉ ra các nguyên nhân chính như chi phí đào tạo tăng cao và mức lương chưa đủ hấp dẫn, đồng thời cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng đối với thị trường vốn nếu không có giải pháp khắc phục cho vấn đề này. Giáo sư kêu gọi sự chung tay của các bên liên quan bao gồm đổi mới phương pháp đào tạo và nâng cao nhận thức xã hội nhằm khẳng định vai trò quan trọng của ngành kế toán trong nền kinh tế hiện đại.


Tiếp đó, Ông Phạm Hải Âu - Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo Rủi ro tại PwC Việt Nam, trình bày tham luận “Unlocking the Potential of Carbon Markets: The Impact of Carbon Credit Systems on Sustainable Development and Climate Change Mitigation”. Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải carbon, ông làm rõ vai trò của thị trường tín chỉ carbon trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Bài trình bày cũng đề cập thực trạng thị trường carbon tại Việt Nam, kèm theo các giải pháp thiết lập hệ thống thị trường tín chỉ carbon nội địa. Ông cũng nhấn mạnh các kế toán và kiểm toán viên tương lai cần mở rộng vai trò, góp phần giúp các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các báo cáo phát triển bền vững, đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hai bài trình bày đã nhận được sự tham gia thảo luận và trao đổi sôi nổi từ rất nhiều các diễn giả và nhà khoa học. Đại diện Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ACCA, ông Ren Varma - Giám đốc ACCA Khu vực Đông Nam Á Lục địa và bà Khuất Thị Lan Hương- Giám đốc đào tạo đồng tình với những vấn đề mà hai diễn giả chính đưa ra, và khẳng định cam kết của ACCA trong việc cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội đối với nguồn nhân lực Kế toán – Kiểm toán hiện nay. Các giáo sư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chia sẻ những sáng kiến, cách thức giảng dạy mới nhằm thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ với ngành Kế toán – Kiểm toán.

Hội thảo được tiếp tục chia thành 13 phiên họp song song với 54 bài trình bày về các chủ đề đa dạng như: Chuẩn mực kế toán quốc tế, báo cáo phát triển bền vững, quản trị công ty. Các chủ đề mới được đưa ra bàn luận sôi nổi như: Áp lực nghề nghiệp trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán trong giai đoạn sự dụng trí tuệ nhân tạo; thị trường tín chỉ Carbon và các mức thuế áp dụng, phân tích dự đoán sự áp dụng blockchain trong hệ thống thông tin kế toán, hay quản trị công ty dựa trên phân tích bản đồ thư mục,...


Phát biểu bế mạc, PGS, TS Trần Thị Kim Anh - Trưởng Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường ĐH Ngoại thương bày tỏ kỳ vọng vào những hợp tác nghiên cứu sâu rộng hơn với FourA trong tương lai. Giáo sư Shahrokh M. Saudagaran đánh giá cao chất lượng hội thảo và gửi lời cảm ơn đến Trường ĐH Ngoại thương vì công tác tổ chức chuyên nghiệp, thành công.


Hội thảo quốc tế FourA lần thứ 21 đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, khẳng định vị thế của Trường ĐH Ngoại thương trong việc thúc đẩy nghiên cứu và kết nối học thuật toàn cầu.