Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Trường ĐH Ngoại thương phối hợp với Hội Hữu Nghị Việt Nam - Bỉ tổ chức Tọa đàm “Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 26/10/2024, Hội Hữu Nghị Việt Nam - Bỉ (VBFA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn kinh tế đối ngoại (Feretco), Trường ĐH Ngoại thương tổ chức thành công Tọa đàm “Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số”.

 

Tọa đàm nhằm mục tiêu tạo cơ hội cho các chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số, đồng thời thảo luận về các phương pháp quản trị hiệu quả và các giải pháp khắc phục những thách trong bối cảnh kỹ thuật số. Đây cũng là dịp để xây dựng và mở rộng mạng lưới giữa các tổ chức, hiệp hội, và doanh nghiệp.

Tham dự với chương trình có sự hiện diện của TS Nguyễn Hồng Quang – Chuyên gia, giảng viên ngành khoa học máy tính, Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Trương Anh Quân – Phó Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số DTSI; Ông Ngô Quý Nhâm – Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Tư vấn Quản lý và Công nghệ Delta; TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa ngành nghề Nông thôn Việt Nam; Bà Đường Thị Thu Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh Lạng Sơn; Ông Cao Xuân Nhật - Giám đốc điều hành “President Club”.

Về phía Ban Tổ chức Tọa đàm, Trường ĐH Ngoại thương có sự hiện diện của PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương, Phó chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt – Bỉ; TS Nguyễn Quốc Định – Quyền Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại, Trường ĐH Phenikaa, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Bỉ; PGS, TS Vũ Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương; TS Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn Kinh tế đối ngoại (FERETCO); TS Vũ Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm FERETCO, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Bỉ. Chương trình cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cùng đông đảo sinh viên và giảng viên quan tâm đến chuyển đổi số.

Mở đầu chương trình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã bài phát biểu khai mạc và gửi lời chào mừng, cảm ơn tới các đại biểu, diễn giả, và khách mời đã đến tham dự Tọa đàm "Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số”. Thầy nhấn mạnh rằng sự kiện này không chỉ là nơi giao lưu mà còn là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số tại Việt Nam. Qua Tọa đàm, Thầy kỳ vọng rằng các diễn giả và khách mời sẽ có cơ hội trao đổi góc nhìn, khám phá phương pháp quản trị hiệu quả, và tìm hiểu sâu hơn về các thách thức và cơ hội trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng. PGS, TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ niềm vinh dự khi có sự hiện diện của các chuyên gia đầu ngành và hy vọng những ý tưởng, giải pháp được chia sẻ sẽ hữu ích cho công việc của các đại biểu.

Tiếp theo, TS Nguyễn Trọng Hải đã chia sẻ về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc tổ chức Tọa đàm đối với sinh viên vừa làm vừa học (VLVH) trong việc gắn kết giữa kiến thức lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tọa đàm về “Quản trị sự thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số” là diễn đàn để các diễn giả, các nhà khoa học và các em sinh viên chia sẻ và thảo luận sáng kiến cho việc lựa chọn mô hình kinh doanh, sự thay đổi trong quản trị nhân sự và sự cam kết của lãnh đạo trong tiến trình chuyển đổi số trong bối cảnh thế giới nhiều bất trắc.

Tại Tọa đàm, TS Nguyễn Hồng Quang đã trình bày tham luận với chủ đề "Sử dụng và phát triển tài nguyên nguồn mở đúng cách để chuyển đổi số tự chủ và bền vững". TS Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nguồn mở trong việc giảm phụ thuộc vào các giải pháp nước ngoài, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ và linh hoạt hơn trong quá trình chuyển đổi số. Ông cũng đề xuất các phương pháp khai thác hiệu quả nguồn mở để đạt được sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Tham luận "Vai trò của kiến trúc dữ liệu nền tảng trong tiến trình chuyển đổi số" do ông Trương Anh Quân trình bày, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống dữ liệu vững chắc, được xây dựng theo kiến trúc hiện đại để hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số. Theo ông Quân, một hệ thống dữ liệu nền tảng có khả năng tích hợp và phân tích mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi ích của chuyển đổi số.

Ông Ngô Quý Nhâm - Chuyên gia tư vấn chiến lược và tái cấu trúc doanh nghiệp, Phụ trách Bộ môn Quản trị Nguồn nhân lực, Trường ĐH Ngoại thương đã đưa ra các thách thức thường gặp khi tổ chức triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc thay đổi tư duy và thích nghi với công nghệ mới. Ông đề xuất các phương pháp quản trị sự thay đổi hiệu quả, tập trung vào vai trò của nhà lãnh đạo, việc phát triển kỹ năng và sự phối hợp giữa các phòng ban để đảm bảo sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.



Sau phần trình bày của các diễn giả, các vị khách mời đã tích cực đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, quản lý dữ liệu, và công nghệ thông tin. Các diễn giả và người tham dự đã thẳng thắn trao đổi sâu rộng về các thách thức và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, làm nổi bật những phương pháp quản trị hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số.

Sự kiện Tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin giá trị, mở ra những hướng đi mới trong việc quản trị sự thay đổi trong các tổ chức và doanh nghiệp, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của các ngành kinh tế Việt Nam.