Ngày 07/6/2024, Viện Nghiên cứu sáng tạo (FICR), Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công FICR - COFFEE TALK 1 với chủ đề “Hội nghị Bộ trưởng WTO 13 và thách thức của hệ thống thương mại đa biên”.
Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi FICR - Coffee Talk sẽ được tổ chức thường xuyên của Viện Nghiên cứu sáng tạo.
Tham dự chương trình, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường.
Chương trình còn có sự hiện diện của các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Sở Tư pháp Hà Nội, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia chia sẻ của 2 diễn giả: TS Lý Vân Anh – Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Những thách thức mới của Toàn cầu hoá kinh tế (Chaire NEME), Trường ĐH Laval (Canada); và TS Vũ Kim Ngân – Phó Giám đốc chương trình FTU WTO Chair, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Ngoại thương. Chương trình được điều phối bởi PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên.
Tại buổi FICR - Coffee talk 1, các diễn giả cung cấp nhiều thông tin và chia sẻ quan điểm xoay quanh Hội nghị Bộ trưởng WTO 13 và thách thức của hệ thống thương mại đa biên. Mở đầu chương trình là phần trình bày của TS Lý Vân Anh về nội dung chính và tầm quan trọng của Hội nghị WTO 13 (MC 13). Trong đó, các bộ trưởng của hơn 160 nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cam kết duy trì và tăng cường khả năng của hệ thống thương mại đa phương, với cốt lõi là WTO, để ứng phó với những thách thức thương mại hiện nay. Tuyên bố của các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của khía cạnh phát triển trong hoạt động của tổ chức WTO, khẳng định vai trò của hệ thống thương mại đa phương góp phần đạt được mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và các mục tiêu Phát triển bền vững khác. Tiếp theo, hai diễn giả chia sẻ về diễn biến đàm phán, đặc biệt là các đàm phán nông nghiệp, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, TS Lý Vân Anh cũng chia sẻ quan điểm về tương lai của WTO, khủng hoảng chủ nghĩa đa phương, phương thức đồng thuận tại WTO và xu hướng hiện nay. Chuyên gia nhấn mạnh vai trò của các quốc gia thành viên trong WTO, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tiếp nối chương trình, TS Vũ Kim Ngân chia sẻ thêm về cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp WTO - chủ đề được quan tâm nhiều hiện nay. Sau phần chia sẻ của diễn giả, các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên tham dự đặt ra nhiều câu hỏi và thảo luận sôi nổi.
Phát biểu tổng kết chương trình, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà đã khẳng định chia sẻ của các diễn giả và ý kiến đóng góp của người tham dự sẽ là các luận cứ quan trọng để đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm giải quyết thách thức của hệ thống thương mại đa biên, từ đó phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam. Cuối cùng, thầy gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả các diễn giả, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên đã dành thời gian tham dự và đóng góp những ý kiến có giá trị cho Ban tổ chức chương trình.