Ngày 6/12/2023, Khoa Khoa học Chính trị và Nhân văn (KHCT&NV), Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội để thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới”.
Chương trình có sự tham gia của PGS, TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS, TS Bùi Thị Tỉnh - Học viện Chính trị Công an Nhân dân và TS Nguyễn Thị Minh Khuê - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương, có TS Thân Thị Hạnh - Trưởng khoa Khoa KHCT&NV; TS Lương Thị Ngọc Oanh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế; các giảng viên Khoa KHCT&NV. Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm còn được kết nối trực tuyến với các giảng viên Tổ Lý luận chính trị thuộc Cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS Thân Thị Hạnh khẳng định sự cần thiết, tính thời sự, thực tiễn và sự hấp dẫn của chủ đề Tọa đàm. TS Thân Thị Hạnh cho rằng việc đảm bảo an sinh xã hội để thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nhân dịp này, TS Thân Thị Hạnh cũng gửi lời cảm ơn và trao tặng quà lưu niệm của Nhà trường tới các khách mời.
Trong phần chia sẻ của mình, PGS, TS Dương Kim Anh đã trình bày về các chủ đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội và tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; một số vấn đề cơ bản về bạo lực trên cơ sở giới; mô hình RESPECT trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong đó có các trọng tâm an sinh xã hội; an sinh xã hội có trách nhiệm giới như một giải pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bài trình bày của PGS, TS Dương Kim Anh đã giúp giảng viên cập nhật các kiến thức về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đang tồn tại và mới nổi tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Phần trình bày của các diễn giả và khách mời đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và trao đổi của các chuyên gia, giảng viên và những người quan tâm. Vấn đề thảo luận tập trung vào những nhóm phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực giới ở Việt Nam hiện nay; tác động của các trụ cột của an sinh xã hội đến vấn đề thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam; triển khai mô hình Respect tại Việt Nam; một số kinh nghiệm quốc tế về phát huy vai trò an sinh xã hội trong thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; các đề xuất và kiến nghị góp phần đưa giáo dục trở thành một kênh công cụ quan trọng nhằm phổ biến kiến thức về giới, bình đẳng giới cũng như về vai trò của an sinh xã hội với phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tổng kết Tọa đàm, TS Thân Thị Hạnh một lần nữa khẳng định rằng Tọa đàm đã đem tới rất nhiều kiến thức hữu ích, cập nhật về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Những nội dung này có tính lý luận và thực tiễn cao; có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế chính trị quốc tế.