Ngày 19/05/2023, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam”.
Tham dự Tọa đàm có về phía các diễn giả gồm có: PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên - Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Ngoại thương; Ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS, TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Tọa đàm còn có gần 200 đại biểu đại diện các tổ chức, cơ quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đã cùng nhau trao đổi những vấn đề chính liên quan tới Thuế tối thiểu toàn cầu.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (QLKH); ThS Lê Thị Ngọc Lan - Phó Trưởng phòng QLKH; TS Vũ Huyền Phương - Phó Trưởng phòng QLKH; Trưởng/ Phó một số trong Trường cùng các giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Trong khuôn khổ Chuỗi các tọa đàm chính sách phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện định kỳ, Trường Đại học Ngoại thương đã có sáng kiến tổ chức một tọa đàm khoa học để trao đổi và thảo luận để hiểu rõ hơn tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thích ứng với hiểu rõnhằm tăng cường sự tham gia của Nhà trường trong quá trình thảo luận và tham vấn chính sách, gắn kết các vấn đề học thuật và thực tiễn, kết nối các chuyên gia, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Chủ đề của tọa đàm tập trung vào vấn đề chính sách đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu – một thỏa thuận được cho là sẽ giải quyết vấn đề chuyển dịch lợi nhuận, xói mòn cơ sở thuế do hành vi trốn thuế, tạo lập cơ sở công bằng, minh bạch đi kèm với triển vọng tăng doanh thu thuế cho các nước đang phát triển.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định, “Với bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngoại Thương là cơ sở giáo dục đầu tiên, lâu đời nhất tại Việt Nam đào tạo về kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế”. Nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên Nhà trường đã đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cả từ góc độ hoạch định và thực thi chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng của mình, trường Đại học Ngoại thương ngày càng thể hiện vai trò tiên phong trong việc tham vấn, hỗ trợ các bên liên quan trong xây dựng, thực thi, phân tích và đánh giá chính sách. Những góp của Nhà trường được thể hiện trong hàng loạt các đề tài, dự án và chương trình nghiên cứu đã triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ cuối năm 2021 Trường Đại học Ngoại thương chính thức chung tay cùng Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế trong khuôn khổ Chương trình WTO Chairs giai đoạn 3.
Tại tọa đàm, PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên - Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã trình bày bài tham luận “Thuế tối thiểu toàn cầu: Quy định thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động và gợi ý chính sách đối với Việt Nam”. PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên cho biết chủ đề về Thuế tối thiểu đã được đông đảo sinh viên, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương quan tâm, nghiên cứu. Qua phần trình bày về bối cảnh chung kinh tế toàn cầu, các quy định thuế tại các quốc gia Châu Á, PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên phân tích tính tất yếu, phải tuân thủ của việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và dự kiến có hiệu lực từ năm 2024. Bài trình bày cũng đề xuất một số gợi ý chính sách dưới góc độ kinh tế quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo tính minh bạch khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu cũng là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV.
Ba nội dung chính được trao đổi tại tọa đàm bao gồm: (1) Thực tiễn triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay; (2) Dự báo tác động của việc thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút FDI và tăng trưởng của Việt Nam; (3) Đề xuất và kiến nghị các giải pháp thích ứng với thực tiễn Thuế tối thiểu toàn cầu.
Các diễn giả và đại biểu trong Tọa đàm sau khi phân tích kỹ các khía cạnh liên quan tới Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam đã có sự đồng thuận về: (1) Sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ đề xuất của OECD về Thuế tối thiểu toàn cầu do đây là vấn đề phức tạp; (2) Cần nhanh chóng triển khai các nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu tới việc thu hút FDI, tới các doanh nghiệp FDI và tới sự phát triển của Việt Nam; (3) Trên cơ sở các luận cứ khoa học và thực tiễn, cần chủ động rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy định, chính sách phù hợp nhằm thích ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu; (4) Cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để các bên liên quan hiểu rõ về Thuế tối thiểu toàn cầu và chính sách của Việt Nam.
Link báo đưa tin:
Báo Giáo dục và Thời đại: https://giaoducthoidai.vn/
Báo Đại biểu Nhân dân: https://daibieunhandan.vn/
Truyền hình thông tấn: https://vnews.gov.vn/video/