Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình chất lượng cao trình độ Đại học Ngành Luật, chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 12/10/2020, Khoa Luật đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ Đại học Ngành Luật, chuyên ngành Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (Chương trình V-LEX).

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng QLĐT, PGS, TS Nguyễn Minh Hằng- Trưởng khoa Luật, lãnh đạo một số đơn vị trong trường, đại diện các đối tác tham gia triển khai chương trình: Luật sư Bùi Đình Ứng – Chủ nhiệm CLB Luật sư Long Biên; Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Chủ tịch Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam VICMC; Ông Phan Trọng Đạt – Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC; Luật sư Nguyễn Trung Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC, ,Luật sư Trần Thị Thanh Minh – Giám đốc pháp lý công ty TNHH KPMG cùng cán bộ, giảng viên, cựu học viên cao học, cựu sinh viên và sinh viên Khoa Luật.

Phát biểu khai mạc và dẫn đề Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thu Hương nhấn mạnh Nhà trường định hướng xây dựng chương trình V-LEX đảm bảo thể hiện triết lý giáo dục cũng như ba nguyên tắc phát triển chương trình đào tạo của trường Đại học Ngoại thương: căn bản, mở, linh hoạt. Đồng thời, PGS.TS. Phạm Thu Hương kỳ vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các bên liên quan đưa ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện chương trình, đáp ứng được yêu cầu từ phía Nhà trường và nhu cầu của thị trường.

Giới thiệu về chương trình VLEX, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng đưa ra 8 điểm đặc trưng: (i) Hệ thống các học phần thực hành nghề nghiệp (V-LEX) được triển khai từ năm 1 đến năm 4; (ii) Tăng cường đào tạo tiếng Anh pháp lý; (iii) Tập trung đào tạo chuyên sâu về ADR (Alternative Dispute Resolution); (iv) Xây dựng hệ thống đối tác triển khai chương trình; (v) Song giảng giữa giáo viên và các chuyên gia thực tiễn; (vi) Tăng tính linh hoạt; (vii) Giảng dạy bằng tiếng Anh và; (viii) Sự công nhận quốc tế của một số học phần.

Xuyên suốt Hội thảo, các khách mời và đối tác đã thảo luận sôi nổi và đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích cho chương trình. Các đối tác đều nhận định giảng dạy luật kinh doanh quốc tế là cần thiết, đánh giá cao việc đưa hệ thống các học phần thực hành nghề nghiệp vào nội dung chương trình đào tạo và chú trọng giảng dạy tiếng Anh pháp lý dành cho sinh viên. Đồng thời, các đối tác cũng khẳng định sẵn sàng tham gia cùng Nhà trường trong xây dựng và triển khai chương trình.

Về các ý kiến đóng góp cho chương trình, Luật sư Nguyễn Hưng Quang đề xuất cần có cách thức triển khai song giảng giữa giảng viên và chuyên gia hành nghề thực tiễn để đạt hiệu quả tốt nhất. Luật sư Nguyễn Trung Nam cũng đưa ra đề xuất đối tác IMI (International Mediation Institute – Viện Hoà giải quốc tế) và cân bằng giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành cho sinh viên. Bên cạnh đó, anh Phạm Đình Hiệu – Cựu sinh viên khoá 50 Luật thương mại quốc tế đưa ra ý kiến cần đưa một số học phần về kinh doanh quốc tế trở thành các học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thị Hiền khẳng định Nhà trường ghi nhận và đánh giá cao các đóng góp từ phía các khách mời để hoàn thiện hơn nữa chương trình, tiến tới đưa chương trình vào hệ thống đào tạo chính quy của Nhà trường trong thời gian sớm nhất.