Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Hội thảo "Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" tại Cơ sở Quảng Ninh

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 09/07/2020, tại Cơ sở Quảng Ninh, Trường ĐHNT đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0".

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 60 năm ngày thành lập Trường ĐHNT. Tham dự hội thảo có PGS, TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT, PGS, TS Bùi Thị Lý - Viện trưởng Viện KT&KDQT,TS. Nguyễn Phúc Hiền - Giám đốc CSQN lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Viện KT&KDQT, đại diện Bộ KH&CN, đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu và giai đoạn "bình thường mới" hậu Covid 19. PGS, TS Lê Thị Thu Thủy khẳng định không chỉ là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có uy tín, Trường ĐHNT còn được biết đến là một trung tâm nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển, cung cấp các giải pháp quản lý nhà nước; nghiên cứu và chuyển giao tri thức, các mô hình quản trị tiên tiến cho các doanh nghiệp để phát triển bền vững. Trong những năm qua, Trường đã thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu phát triển cấp nhà nước cũng như cho nhiều địa phương. Cô đề nghị các nhà khoa học, các thầy cô giáo tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ những vấn đề cốt lõi đặt ra làm sao để đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; những bài học kinh nghiệm thực tiễn ở trong và ngoài nước, các kiến nghị, giải pháp cần xoay quanh các vấn đề cốt lõi này để thực hiện được các mục tiêu phát triển KT-XH một cách bền vững.

Tại hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên nhà trường đã gửi 51 bài nghiên cứu, tham luận, phân tích và đều chung nhận định: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức, cũng vừa mở ra cơ hội lớn trong hoạt động kinh tế, kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp; tinh thần đổi mới, sự sáng tạo chính là yêu cầu cấp thiết, là tiền đề để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững trong tương lai.

Nội dung các bài nghiên cứu đều có tính ứng dụng cao, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, logistic, thương mại điện tử… Các nghiên cứu, tham luận cũng đi sâu phân tích, thảo luận những vấn đề mới, có tính thời sự như: sự phát triển của ví điện tử, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng Big Data, các trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giải pháp phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19 …

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Nguyễn Văn Thạo đưa ra một số đề nghị có tính chất gợi mở một số định hướng nghiên cứu cho Trường Đại học Ngoại thương cũng như các Doanh nghiệp trong thời gian tới và các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị về các vấn đề như: Đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn với tăng trưởng xanh và bền vững; Thu hút đầu tư nước ngoài một cách bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Chuyển giao tri thức quản lý cho doanh nghiệp....