Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Trường Đại học Ngoại thương đăng cai tổ chức Hội thảo XI (VEAM 2018)

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới, các đề xuất chính sách từ các kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các nghiên cứu và tăng cường khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, trong ba ngày 11 đến ngày 13/06/2018, trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Viện nghiên cứu Depocen và Trường Kinh doanh Ipag (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên về Kinh tế Việt Nam lần thứ 11.

Tham dự hội thảo, về phía trường Đại học Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Nhà trường. Về phía khách mời có các nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên đến từ nhiều trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoai thương phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoai thương nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, khách quý đã đến tham dự hội thảo quốc tế này. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết hội thảo quốc tế này là một hoạt động thường niên trong việc nghiên cứu, hội thảo được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng của Nhà trường, được tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu thế không thể đảo ngược. Với sự tham gia đông đảo của các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế, cùng với đó là sự có mặt của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, doanh nghiệp, Thầy Hiệu trưởng tin tưởng rằng hội thảo sẽ là một diễn đàn mở để các học giả trao đổi, chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm, đồng thời cũng mở ra nhiều hướng đi mới cho nền kinh tế VViệt Nam cũng như nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu.

 GS, TS Lê Văn Cường - Giám đốc Nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) đồng phát biểu khai mạc

Đồng phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS, TS Lê Văn Cường - Giám đốc Nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), người chủ trì và là diễn giả chính của VEAM từ hội thảo lần đầu tiên (năm 2008) đến nay đã. GS, TS Lê Văn Cường đã nhấn mạnh hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm mục đích trao đổi những nghiên cứu, ý tưởng mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nhà kinh tế với nhau và với các doanh nghiệp, cơ quan trong nước. Qua sự kiện phối hợp với trường Đại học Ngoai thương lần này, GS đã gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Nhà trường, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và toàn thể những người đã quan tâm đến hội thảo.

Ban Giám hiệu trường Đại học Ngoại thương tham dự và lắng nghe các tham luận tại Hội thảo quốc tế

Các phiên trao đổi, tranh luận tại Hội thảo quốc tế

Hội thảo được chia làm 26 phiên với các chủ đề lớn của nền kinh tế như: “Các học thuyết Kinh tế”, “Các chính sách kinh tế vĩ mô”, “Biến đổi khí hậu và nền nông nghiệp”, “Khoa học nghiên cứu và Ứng dụng”, “Các thể chế Tài chính”, “Tỷ giá hối đối và Thương mại Quốc tế”, “Trách nghiệm xã hội”, “Tài chính và Tài sản”, “Sự hài lòng về công việc”, “Kinh tế vi mô”, “Ngân hàng và tài chính doanh nghiệp, “Giới tính và thị trường lao động”… Trong đó, phải kể đến 4 bài trình bày trọng tâm của các diễn giả: Bài trình bày về “Quá trình chuyển đổi dinh dưỡng ở Việt Nam: Một số hiểu biết thực nghiệm gần đây” của GS. Michel Simioni, ĐH Montpellier, Pháp; Bài trình bày về “Thuế thu nhập trong vòng đời của nền kinh tế với tính không đồng nhất” của GS. Chung Tran, ĐH Quốc gia Australia; Bài trình bày về “Lựa chọn đối tác, chuyển giao công nghệ và phổ biến công nghệ trong các quan hệ hợp tác quốc tế theo quy định về sở hữu cổ phần” của GS. Masayuki Okawa, ĐH Ritsumeikan; và Bài trình bày về “Tại sao lãnh đạo nhóm làm việc tốt hơn thành viên nhóm? Bằng chứng từ kinh nghiệm thực tế” của TS. Nguyễn Việt Cường. Các bài tham luận, trình bày của các diễn giả trong và ngoài nước đã nêu lên các chủ đề nóng của nên kinh tế, đồng thời góp phần nâng tầm hội thảo lên như một diễn đàn tham vấn chính sách chiến lược cho các nhà quản lý.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS, TS, Nguyễn Thu Thủy một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng hội thảo cũng như hoạt động nghiên cứu của Nhà trường trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều đổi mới. Cô Hiệu phó gửi lời chúc mừng vì sự thành công của hội thảo cũng như lời cảm ơn chân thành nhất tới các chuyên gia, diễn giả, giảng viên và toàn thể những người quan tâm đến hội thảo. Sự thành công của Hội thảo Kinh tế thường niên Việt Nam lần thứ 11 (VEAM 2018) sẽ là tiền đề vững chắc để tổ chức Hội thảo lần thứ 12 và những lần sau nữa.