Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Lãnh đạo nhà trường tiếp và trao đổi hợp tác với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam

Hợp tác quốc tế

Ngày 13/06/2023, PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Ngoại thương đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP).

 

Tham gia dự buổi làm việc, về phía Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có Bà Marta Pérez Cusó và Ông Ignacio Blanco, Ban Kinh tế, UNESCAP.

 Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS,TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS); TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm FIIS cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường.

 Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã bày tỏ sự ghi nhận những nỗ lực của cả hai phía nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và UNESCAP. Đại diện lãnh đạo hai bên cũng đã tiến hành trao đổi về các chương trình hợp tác tiếp theo nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm tại Việt Nam.


Mô hình kinh doanh bao trùm (IB) là mô hình kinh doanh sáng tạo đặc biệt, nhằm mục tiêu giải quyết nhu cầu của nhóm người có thu nhập thấp (như các nông hộ) bằng cách cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế trên cơ sở kinh doanh thương mại, cũng như mở rộng quy mô, cho những người sống ở đáy của kim tự tháp kinh tế. Từ đó, họ trở thành một phần trong chuỗi giá trị kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp với tư cách là nhà cung ứng, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc khách hàng.


Hiện nay, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), phối hợp với Tổ chức Kinh doanh bao trùm (iBAN), hỗ trợ các Chính phủ tăng cường chính sách cho kinh doanh bao trùm trong ASEAN. Ngoài ra, UNESCAP đã hỗ trợ xây dựng Nghiên cứu tổng quan về Kinh doanh bao trùm ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam; xây dựng Hướng dẫn Thúc đẩy Kinh doanh bao trùm trong ASEAN; và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh bao trùm ASEAN hàng năm kể từ năm 2019. Một số quốc gia đã và đang triển khai tốt mô hình kinh doanh này như Malaysia, IB được lồng ghép vào các chiến lược quốc gia phù hợp với các chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; còn Philippines đã triển khai hệ thống đăng ký IB và ưu đãi thuế; Campuchia áp dụng chiến lược IBeeC - nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh bao trùm…


Tại Việt Nam, tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 167/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy kinh doanh bền vững, bao gồm cả kinh doanh bao trùm. Trong đó, Chương trình đưa ra cam kết chiến lược về kinh doanh bao trùm, nỗ lực hệ thống hóa hoạt động hỗ trợ kinh doanh bao trùm thông qua nâng cao nhận thức về kinh doanh bao trùm, thiết lập hệ thống công nhận doanh nghiệp kinh doanh bao trùm, cung cấp dịch vụ huấn luyện và khuyến khích đầu tư vào kinh doanh bao trùm.


Trường Đại học Ngoại thương, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) là đã được UNESCAPE tin tưởng và đánh giá cao để trở thành đối tác, đơn vị tư vấn triển khai các chương trình , hoạt động thúc đẩy mô hình kinh doanh báo trùm tại Việt Nam. Theo đó, các hoạt động đang và sẽ đang được thực hiện gồm: Đào tạo (IB Training Workshop), Cố vấn và Huấn luyện 1- 1 (IB Coaching), Đối thoại chính sách (IB Dialogue), Xây dựng hệ thống và thực hiện đánh giá, công nhận DN có mô hình IB (IB Accreditation system) , Diễn đàn đầu tư (Investment Forum), Cấp vốn triển khai và phát triển mô hình (IB Investment Fund), …

 


Trong ngày 13/06/2023, nhằm triển khai Quyết định số 167/QĐ-TTg, Cục Phát triển doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức “Hệ thống công nhận doanh nghiệp kinh doanh bao trùm”. Hội thảo đã được tổ chức thành công và nhận được nhiều sự quan tâm, tham dự của các chuyên gia đến từ Cơ quan ban ngành, Tổ chức, cùng với các doanh nghiệp tại Việt Nam.


Với những hỗ trợ và hoạt động thiết thực, mô hình kinh doanh IB sẽ được lan tỏa và phát triển hơn nữa tại Việt Nam, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp và cộng đồng, đóng góp một phần trong việc thực hiện 17 mục tiêu SDGs của LHQ.