Ngày 23/10/2018, sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế trường Đại học Ngoại thương đã có một buổi trao đổi rất thú vị với vị doanh nhân người Mỹ Jeffrey Copper, ông là chủ tịch Quỹ Richard Petritz, một quỹ tư nhân tại Bang Colorado Spring.
Ông cũng đồng thời là chủ tịch quỹ New Venture Resources, một quỹ đầu tư với hơn 40 năm hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ. Những công ty thành viên của Quỹ đã tạo ra hàng nghìn việc làm và có tổng giá trị vốn trên thị trường lên tới hơn 600 triệu đô la Mỹ. Buổi nói chuyện cũng có sự tham gia của hơn 60 sinh viên khoa Đào tạo quốc tế, đang theo học các chương trình liên kết đào tạo với Đại học Angelo State - Hoa Kỳ ,Đại học New Brunswick - Canada, và Đại học Bedfordshire - Anh Quốc. Các bạn là những sinh viên rất tự tin, năng động và có ngoại ngữ tốt. Đa phần các bạn đều đạt chuẩn tiếng anh IELTS từ 6.0 trở lên hoặc tương đương. Nhiều bạn đã đạt 8.0 IELTS hoặc 109 TOEFL IBT và sẵn sàng cho những kỳ học chuyên ngành sắp tới tại ĐH Ngoại Thương cũng như các trường đối tác ở nước ngoài.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, ông Jeffrey đã chia sẻ với các bạn về lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt với vai trò nhà đầu tư thiên thần và lãnh đạo điều hành các quỹ đầu tư. Ông đã khái lược vai trò và sự tham gia của những nhà đầu tư khác nhau trong quá trình phát triển của một doanh nghiệp khởi nghiệp, những công cụ tài chính họ thường sử dụng. Ông cũng giới thiệu và phân biệt những khái niệm cơ bản nhất như Nghiên cứu cơ bản vs Nghiên cứu ứng dụng; Ý tưởng vs. Cơ hội, Đầu tư tư nhân vs. Đầu tư công, chi phí cơ hội, cách thức một nhà đầu tư đánh giá những cơ hội đầu tư của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh mục tiêu mà ông hướng đến là những Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo “Innovative Entrepreneur”, những doanh nghiệp có tính sáng tạo cao và khả năng tăng trưởng nhanh chóng. Tính sáng tạo có thể xuất hiện trong bất kỳ nội dung nào theo học thuyết 4P trong Marketing (Product – Sản phẩm, Price – Giá cả, Promotion – Xúc tiến thương mại, Place – Địa điểm). Sự sáng tạo cũng diễn ra trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Trong quá giai đoạn trước thị trường của một dòng đời sản phẩm, giá trị đầu tư cho sáng tạo là lớn nhất, và đây cũng là “Thung lũng tử thần – Valey of Death” mà doanh nghiệp bắt buộc phải vượt qua. Lúc này các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cả về vốn cũng như kinh nghiệm, và các mối quan hệ thị trường. Kết quả chính của cả quá trình chính là Sản phẩm mà doanh nghiệp mang lại. Giá trị của một sản phẩm được đánh giá bằng công thức Quality/ Price (Chất lượng/ Giá cả), theo đó giá trị của sản phẩm sẽ càng cao nếu Chất lượng sản phẩm được cải thiện trong khi giá cả giảm xuống. Điều này cũng giúp định hướng chiến lược cho doanh nghiệp để theo đuổi sản phẩm chất lượng tốt hay giá cả thấp. Đối với nhà đầu tư, điều họ mong chờ nhất đó chính là People – Con người, Products – Sản phẩm, Markets – Thị Trường và Plans – Kế hoạch.
Ông Jeffrey Copper đang chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của mình một cách chân thành, gần gũi với các bạn sinh viên
Vị tỷ phú đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên rằng, khi bạn đầu tư hoặc cho một người bạn mượn tiền thì điều gì các bạn quan tâm? Bằng những suy nghĩ tự nhiên, các bạn sinh viên cho rằng cần phải xem độ tin tưởng của mình đối với người bạn đó, biết được bạn ấy mượn tiền để làm gì, nếu bạn ấy đầu tư, kinh doanh thì có kế hoạch cụ thể không, tiềm năng của khoản đầu tư đó như thế nào.,… Tất cả những chia sẻ của các bạn đều đúng và đã được ông Jeffrey khái quát thành những vấn đề thực tế mà nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó đông cũng đưa ra một công thức để đánh giá giá trị mà một doanh nghiệp mang lại đó là Value Creation = (Innovation x Organization x Business Model)^Entrepreneurs. Một doanh nghiệp phải có nền tảng Sáng tạo x Tổ chức x Mô hình kinh doanh, từ đó bằng chiến lược quản trị tốt sẽ nhanh chóng nâng cao được giá trị nền tảng đó.
Vậy khi đã có sự đánh giá về doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ làm những bước nào để thực hiện đầu tư? Ông cũng đưa ra một quy trình hoàn chỉnh cho một khoản đầu tư, những rủi ro thường gặp phải. Ông cũng bật mí một điều mà nhà đầu tư cần phải vận dụng đó chính là Compound Interest – Lãi gộp, đó dường như là một món quà tuyệt vời cho những nhà đầu tư biết kiên nhẫn. Trong những dự án đầu tư của mình, ông đã có nhiều dự án cực kỳ thành công, đem lại mức lợi nhuận khổng lồ, nhưng cũng có những khoản đầu tư thất bại khiến ông không thu lại được một đồng vốn nào, chỉ thu lượm được những bài học kinh nghiệm mà hôm nay ông đã chia sẻ với các bạn sinh viên.
Một điều đặc biệt, đôi khi nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà họ còn muốn tạo ra những tác động tốt cho xã hội. Một trong những doanh nghiệp mà ông Jeffrey Copper đã đầu tư chính là công ty JIBU tại Tanzania. Công ty này đang áp dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu (Franchise) để nhanh chóng mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân nơi đây. Những tác động tích cực cho xã hội mà công ty mang lại phải kể đến:
Cùng chính quyền, xã hội đẩy khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho người dân, dần dần đẩy lùi những căn bệnh thường mắc phải do việc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh;
Cung cấp cho người dân những lựa chọn sử dụng nước sạch trong khả năng chi trả của họ, tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm nước sạch. Trẻ em có thêm thời gian để học tập, đến trường;
Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người, tuy giá một bình nước tương đối rẻ nhưng khi bán với số lượng lớn cũng tạo ra một thu nhập cao cho người lao động.
Bên cạnh đó, ông Jeffrey Copper cũng đang vận hành một vườn ươm nghệ thuật tại Hoa Kỳ, hỗ trợ những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này. Đơn cử ông đang có một người bạn là nhà thiết kế rất tài năng. Cô ấy chuyên thiết kế những sản phẩm thời trang riêng cho từng khách hàng, sử dụng công nghệ nền tảng của Amazon và đang tìm kiếm một đối tác sản xuất hàng may mặt đến từ Việt Nam.
Ông Jeffrey Copper chia sẻ về doanh nghiệp có tác động tích cực đến xã hội
Mặc dù có nhiều nội dung chuyên môn tương đối mới và khó nhưng các bạn sinh viên đã tương tác rất tốt, và đặt những câu hỏi thông minh, thú vị cho ông Jeffrey Copper. Hơn nữa, lần đầu tiên các bạn đã được trải nghiệm đóng vai “nhà đầu tư” đứng trước một doanh nhân kỳ cựu với ý tưởng kinh doanh mới đang xin tài trợ. Tuy nhiên, không hề do dự, các bạn sinh viên đã chủ động hoàn thành rất tốt vai trò của mình và nhận được lời khen ngợi, những cái bắt tay, cùng nụ cười thân thiện của ông Jeffrey Copper.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Jeffrey Copper đã có những lời nhắn nhủ tâm huyết tới các bạn sinh viên, mong rằng các bạn sẽ trở thành những nhà đầu tư khôn ngoan hoặc mạnh dạn thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của mình. Ông cũng ngỏ lời tạo điều kiện giúp đỡ sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế như một nhà đầu tư thiên thần nếu các em có những dự án kinh doanh chất lượng. Hi vọng rằng các bạn sinh viên sẽ thu lượm được cho mình những bài học bổ ích từ một nhà đầu tư từng trải với trái tim nhân hậu và ấm áp.
Ông Jeffrey Copper đã vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế
Thông tin về ông Jeffrey Copper
Thông tin về công ty JIBU tại Tanzania