Sidebar

Magazine menu

04
Sat, Jan

Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 2 năm 2018

Hợp tác quốc tế

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong tại Việt Nam trong đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học, được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường ĐHNT đã có sáng kiến tổ chức một diễn đàn về quốc tế hóa trong giáo dục đại học mà trong đó các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và giải pháp trong lĩnh vực này.

Sau thành công của Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ nhất năm 2017, trường ĐHNT đã tổ chức Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 2 (FIHE2) tại Hà Nội vào ngày 08/10/2018. Chủ đề của FIHE2 là: “Công nhận lẫn nhau trong giáo dục đại học xuyên biên giới”. Diễn đàn đã nhận được 21 báo cáo nghiên cứu của các tác giả đến từ nhiều trường đại học, các tổ chức giáo dục Quốc tế và Việt Nam. Diễn đàn có sự tham gia của một số đại sứ và đại diện đến từ 14 đại sứ quán, gần 200 đại biểu đến từ hơn 50 cơ quan giáo dục quốc gia, trường đại học, tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế. Về phía trường ĐHNT có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng: PGS, TS Đào Thị Thu Giang, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, lãnh đạo các đơn vị cùng các thầy cô giáo và sinh viên Nhà trường.

FIHE2 là một diễn đàn mở cho đại diện của các cơ sở giáo dục Việt Nam và quốc tế có cơ hội kết nối, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp về vấn đề công nhận lẫn nhau để đóng góp những ý tưởng và giải pháp chiến lược, từ đó xây dựng được một hệ thống chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học xuyên biên giới góp phần làm cho nền giáo dục đại học phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu đã nghe các báo cáo của ba diễn giả chính gồm: (1) GS.TS Ninomiya Akira, Đại sứ của Hiệp hội Trao đổi Sinh viên Châu Á–Thái Bình Dương – UMAP; (2) PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học Công nghệ, Nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam; (3) GS Kazuko Suematsu – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục toàn cầu, Đại học Tohoku, Nhật Bản.

 

Tiếp nối phiên thảo luận toàn thể, 18 diễn giả khách mời đã có bài trình bày trong các phiên thảo luận song song ở các chủ đề: (1) Mô hình giáo dục xuyên biên giới; (2) Chương trình giáo dục xuyên biên giới: tích hợp cơ hội và thách thức cho công nhận lẫn nhau; (3) Phối hợp và chuẩn bị cho công nhận lẫn nhau bởi các bên liên quan. Các chủ đề trong phiên thảo luận song song đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục trong nước và quốc tế.

Tại diễn đàn, nhiều trường đại học trong nước và quốc tế đã kí kết thỏa thuận hợp tác song phương, nhất là trong việc trao đổi sinh viên; tiêu biểu là Lễ kí kết Thỏa thuận hợp tác giữa trường ĐHNT và trường ĐH LUISS (Ý).

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra Triển lãm Giáo dục Quốc tế. Triển lãm đã đem đến cho các em học sinh, sinh viên cơ hội được gặp gỡ và nhận tư vấn trực tiếp với đại diện đến từ 25 cơ sở giáo dục gồm các Học viện, trường Đại học, các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước.