Sidebar

Magazine menu

04
Sat, Jan

Giao lưu Hữu nghị văn hóa Việt Nam - Nhật Bản: Chương trình Hòa nhạc “BORDERLESS SOUNDS” - Nghệ sĩ Nishi Yoko và Ban nhạc Đông Kinh cổ nhạc

Hợp tác quốc tế

Ngày 19/10/2017, trường Đại học Ngoại thương và công ty Minami Fuji đã phối hợp đồng tổ chức Chương trình giao lưu hữu nghị văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại trường Đại học Ngoại thương của GS Takenaka Heizo, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Chương trình giao lưu hữu nghị văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với điểm nhấn là buổi hòa nhạc “Borderless sounds – Âm nhạc không biên giới: sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Việt Nam và Nhật Bản”. Buổi hòa nhạc là sự kết hợp độc đáo lần đầu tiên giữa các nhạc cụ âm nhạc truyền thống mang đặc trưng của đất nước hoa sen và xứ sở hoa anh đào.

Tham dự buổi hòa nhạc, về phía Nhật Bản có ngài Sugiyama Himuro – Giám đốc công ty TNHH Tư vấn Minami Fuji, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện JICA, nhân viên công ty Minami Fuji, học viên Viện đào tạo nhà quản lý toàn cầu (GMC) cùng đại diện gần 150 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Về phía Đại học Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Phó hiệu trưởng; PGS, TS Nguyễn Thu Thủy – Phó hiệu trưởng; lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

Nghệ sĩ đàn Koto nổi tiếng Nishi Yoko và Ban nhạc truyền thống Đông kinh Cổ nhạc

Buổi hòa nhạc có sự tham gia trình diễn của nghệ sĩ đàn Koto nổi tiếng Nishi Yoko đến từ Nhật Bản và Ban nhạc truyền thống Đông kinh Cổ nhạc. Đây là lần đầu tiên cây đàn Koto – nhạc cụ truyền thống lâu đời nhất của xứ sở Phù Tang và đàn bầu, đàn nhị - 2 cây đàn mang thanh âm Việt, hồn cốt Việt cùng nhau xuất hiện trên cùng một sân khấu và cùng cất vang thanh âm trong trẻo, hòa tấu những bản nhạc thăng hoa, bay bổng. Buổi hòa nhạc là nơi để tâm hồn, trí tuệ và cốt cách cao quý của con người Việt Nam và Nhật Bản cùng hòa quyện và thăng hoa. Đây cũng cơ hội quý giá để giao lưu trao đổi văn hóa giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã có nền tảng lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản từ kế kỷ thứ XVI khi các thương nhân Nhật Bản đến buôn bán và sinh sống tại cảng thị sầm uất nhất Đông Nam Á thời bấy giờ - thương cảng Hội An.

Nghệ sĩ đàn truyền thống Koto Nhật Bản - Nishi Yoko đang biểu diễn nhạc cụ cổ điển

Nghệ sĩ đàn truyền thống Koto Nhật Bản - Nishi Yoko hiện đang là một trong những người biểu diễn chính nhạc cụ cổ điển tại Nhà hát Quốc gia, Tokyo. Cô đã có cơ hội biểu diễn tại các liên hoan phim quốc tế như Moers Jazz Festival (Đức), Bang on a Can Festival (USA), Transonic 2003 (Đức) và Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Tại buổi hòa nhạc, với ngón đàn điêu luyện của mình, nghệ sĩ Nishi Yoko đã lần lượt dẫn dắt các khán giả đi từ những cung bậc cảm xúc này tới cung bậc cảm xúc khác chỉ bằng hành trình của thanh âm tiếng đàn Koto.

Ban nhạc “Đông kinh cổ nhạc” là một nhóm các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam gặp nhau trong đam mê gìn giữ âm nhạc cổ truyền và làm việc để chia sẻ những giá trị tốt đẹp của di sản với cộng đồng. Tại buổi hòa nhạc, nhóm “Đông kinh cổ nhạc” đã lần lượt biểu diễn các điệu hát truyền thống cổ xưa của Việt Nam bằng tiếng đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu và sáo trúc. Thanh âm của những tiếng đàn đã hòa vào nhau bay bổng, thăng hoa thể hiện tâm hồn và khí phách người Việt Nam.

Chương trình hòa nhạc kết thúc bằng bản đàn hòa tấu chưa từng có với sự kết hợp giữa đàn Koto của Nhật Bản và đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh của Việt Nam, đem tới cho khán giả một không gian âm nhạc đẳng cấp và tuyệt vời. Những tràng pháo tay không ngớt của các đại biểu tham dự buổi hòa nhạc là minh chứng sống động cho thành công của chương trình.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tham gia chương trình giao lưu kinh tế - văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, ngài Takenaka và cô Nishi Yoko đã có chuyến thăm tới Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, tham gia buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và cô Nishi Yoko. Cả hai vị khách quý đều bày tỏ ấn tượng sâu sắc với sự đa dạng, phong phú và độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, cho rằng Việt Nam không chỉ cần giữ gìn, bảo tồn giá trị của các loại nhạc cụ này mà còn phải phát huy, quảng bá và giới thiệu chúng rộng rãi tới bạn bè trên khắp thế giới.