TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE.
1. Tình hình dịch Sốt xuất huyết:
Tính đến tháng 6 năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam, đặt biệt tại Hà Nội, Ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống Sốt xuất huyết còn nhiều khó khăn.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vây, để phòng ngừa sốt xuất huyết thì các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống của người dân. Hãy loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách không để nước đọng trong chậu hoa, bể cá và thường xuyên làm sạch các vật dụng có thể chứa nước, từ những hành động đơn giản nhất như đậy kín và lật úp các đồ chứa nước. Đồng thời sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi để giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết./.
2. Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa hè. Sốt xuất huyết Dengue có thể gây ra các biến chứng: Suy đa tạng, xuất huyết não, thậm chí gây tử vong. Đến nay bệnh Sốt xuất huyết Dengue chưa có vaccin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
3. Biểu hiện bệnh:
- Sốt cao đột ngột 39- 40OC, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp.
- Chán ăn, buồn nôn, đau bụng.
- Dấu hiệu xuất huyết: Xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím...
4. Chăm sóc người bệnh tại nhà:
- Nếu có sốt cao trên 39 độ, nới lỏng quần áo, lau toàn thân bằng nước ấm.
- Cho thuốc hạ nhiệt: Paracetamol hoặc Efferalgan chỉ uống khi nhiệt độ cao bắt đầu từ 38O5 và lần sau cách lần trước 4h nếu còn sốt cao trên 38O5 (tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin và Analgin).
- Bù dịch Orezol, uống nhiều nước đặc biệt các loại nước trái cây giàu vitamin C.
- Dinh dưỡng: Nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa…
- Người bệnh hoặc nghi mắc Sốt xuất huyết Dengue phải nằm màn, tránh muỗi đốt để không lây truyền cho người khác.
- Theo dõi xát sao hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 02 ngày.
- Nếu có bất thường đến ngay các cơ sở Y tế để khám và được điều trị kịp thời.
5. Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue: với phương châm “KHÔNG CÓ BỌ GẬY, LOĂNG QUĂNG, MUỖI THÌ KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT”
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước (Bể, giếng, chum, vại...) để tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy.
+ Có chế độ thau rửa các dụng cụ chứa nước.
+ Thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như: chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ, bẹ lá cây…, tổng vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng thay nước bình hoa, cây thủy canh hàng ngày.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ màn kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương đuổi muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
+ Dùng rèm, màn tẩm hóa chất diệt muỗi
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất để phòng, chống dịch.
* Khi bị sốt hãy đến ngay cơ sở Y tế để được khám bệnh và tư vấn điều trị.
* Không tự ý điều trị bệnh tại nhà.