Ngày 26/12/2023, Phòng Tổ chức - Nhân sự, Trường ĐH Ngoại Thương đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với các nhóm Mentoring trong khuôn khổ đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng tại Trụ sở chính Hà Nội và kết nối trực tuyến với Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự chương trình có sự hiện diện của PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự; Trưởng/ Phó đơn vị có viên chức tham gia Đề án cùng thành viên của các nhóm Mentoring thuộc khuôn khổ đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng; cùng các thầy cô tham gia đề án đào tạo.
Buổi gặp gỡ là dịp để Nhà trường tổng kết lại những hoạt động, thành tích, kết quả đạt được trong năm vừa qua cũng như triển khai phương hướng hoạt động trong năm tới.
Đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương được xây dựng vào năm 2021, hướng tới mục tiêu bồi dưỡng nhân tài và định hướng lộ trình phát triển bản thân cho thế hệ giảng viên tương lai của Nhà trường. Đề án được thiết kế đầy đủ, chi tiết theo lộ trình phát triển 3 năm đối với viên chức trợ giảng. Các viên chức tham gia Đề án được chia thành 09 nhóm Mentoring bao gồm 08 nhóm ở trụ sở chính Hà Nội và 01 nhóm ở Cơ sở II. Mỗi nhóm Mentoring có các mentor là thế hệ giảng viên đi trước, với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trực tiếp dẫn dắt, hướng dẫn các mentee (các viên chức mới) trong những năm đầu tiên làm việc tại Trường. Trường ĐH Ngoại thương là trường đại học tiên phong trong việc áp dụng mô hình tập huấn mentoring cho đội ngũ viên chức của nhà trường.
Trong năm vừa qua, nhiều hoạt động nổi bật thuộc khuôn khổ đề án đã được triển khai, có thể kể đến Chương trình bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy thu hút sinh viên và kỹ năng ứng biến các tình huống trong lớp học, Khóa đào tạo và đồng kiến tạo Văn hóa Phụng sự tại Thư viện Tập huấn Xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số, Khoá đào tạo nội bộ Training of Connecters (TOC), tập huấn “Hoàn thiện dự toán và thanh toán cho các dự án ĐMST”. Đặc biệt, 05 chuyên đề Nghiên cứu khoa học và 07 Dự án Đổi mới sáng tạo đã được Nhà trường phê duyệt thực hiện, trong đó, 01 dự án đã hoàn thành và nghiệm thu thành công (FTU-Connecters). Ngoài ra, các trợ giảng còn tham gia vào hoạt động luân chuyển thực tập nội bộ và tổ chức các buổi bonding nhằm xây dựng các mối quan hệ và tăng cường sự kết nối giữa các viên chức thuộc các đơn vị khác nhau trong trường.
Trong chương trình, các viên chức có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Đề án thí điểm đào tạo và bồi dưỡng viên chức trợ giảng tại trường ĐH Ngoại thương trong năm 2023 đã nhận được Giấy khen của Hiệu trưởng cho sự cố gắng và nỗ lực của mình đối với công việc chung của Đề án. Các viên chức được trao tặng giấy khen bào gồm: Nguyễn Minh Anh – Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; Đặng Hồng Anh – Trợ giảng Khoa Tiếng Pháp; Vũ Văn Đức – Trợ giảng Khoa Tài chính Ngân hàng; Đặng Quang Linh – Trợ giảng Khoa Quản trị kinh doanh.
Tiếp nối chương trình, PGS, TS Nguyễn Minh Hằng đã công bố 11 viên chức Trợ giảng mới tham gia vào Đề án trong năm 2024. Cô cũng có những chia sẻ vô cùng tâm huyết về những cơ hội mà các thành viên của Đề án có thể nhận được, đó là có một môi trường thuận lợi để học tập cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, rèn luyện tính chủ động trong công việc và trau dồi tư duy phản biện. Ngoài ra, cô cũng nhấn hai yếu tố quan trọng đối với các viên chức mới: Thứ nhất là bản thân viên chức cần chủ động trong công việc, hòa nhập và kết nối với đồng nghiệp ở các phòng ban. Thứ hai là môi trường xung quanh có sự đón nhận, tạo điều kiện cho việc phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định: “Với Đề án này, Nhà trường đã có chương trình bài bản và sẵn sàng đầu tư để tạo ra sân chơi giúp các viên chức trợ giảng phát triển toàn diện để trở thành các giảng viên xuất sắc trong tương lai. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục có các Đề án lớn tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực, trong đó có năng lực đổi mới sáng tạo, của các các giảng viên, viên chức hành chính và viên chức quản lý của Nhà trường. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công chiến lược của Nhà trường trong giai đoạn mới.”