Ngày 11/12/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương tổ chức Lễ khai giảng Lớp đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng năm 2023.
Tham dự lễ khai giảng lớp đào tạo, về phía Bộ Công thương có Bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương; Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương; Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; cùng các cán bộ phụ trách.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có: PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS Hoàng Hải – Phó Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, các giảng viên, cán bộ Nhà trường.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS, TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh các FTA đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng thương mại quốc tế và đầu tư vào Việt Nam, việc chuẩn bị nguồn nhân lực tận dụng FTA cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Trường ĐH Ngoại thương là một trong những Trường đầu tiên đào tạo về thương mại quốc tế trong cả nước. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, lĩnh vực này luôn được duy trì và phát triển trong chương trình đào tạo của Trường. PGS, TS Đào Ngọc Tiến bày tỏ tin tưởng rằng việc phối hợp tổ chức của hai đơn vị đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thương mại là Trường ĐH Ngoại thương và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương sẽ tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực này. Chuỗi các Lớp đào tạo Chuyên gia FTA mang đến cơ hội để các giảng viên của trường ĐH Ngoại thương nâng cao kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này, đồng thời, có cơ hội học hỏi, giao lưu và kết nối với các bên liên quan như Sở, ban ngành, và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
Đây là lớp đầu tiên trong chuỗi khóa đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA. Học viên tham gia lớp là những cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động liên quan đến thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các cơ quan quản lý, công ty tư vấn thực thi FTA, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các cán bộ, nhân viên thực hiện nghiệp vụ xuất, nhập khẩu tại các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng...
Trong chương trình lớp đào tạo, các học viên được các chuyên gia từ các Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Hải quan… và chuyên gia quốc tế phổ biến, hướng dẫn những thông tin cơ bản, chủ yếu về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, thực thi hay đang đàm phán và những nội dung liên quan.
Nội dung chương trình đào tạo bao gồm 05 mô-đun (học phần). Cụ thể:
Học phần 1: Tổng quan về các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tình hình đàm phán, ký kết, thực thi, định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA do chuyên gia Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày;
Học phần 2: Phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới, bao gồm: Cách tìm hiểu quy định phòng vệ thương mại của thị trường FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; cách tìm hiểu, đánh giá rủi ro về phòng vệ đối với sản phẩm xuất khẩu; cách thức xử lý rủi ro về phòng vệ thương mại; cách giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp phòng vệ thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý do chuyên gia Cục Phòng thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu;
Học phần 3: Quy trình xuất khẩu và nhập khẩu từ các thị trường FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Các quy định liên quan đến xuất khẩu; quy trình xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA thế hệ mới; các vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình xuất khẩu sang các thị trường FTA thế hệ mới và cách xử lý; các quy định liên quan đến nhập khẩu; quy trình nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường FTA thế hệ mới vào Việt Nam; quy trình nhập khẩu chi tiết; các vướng mắc chủ yếu liên quan đến quá trình nhập khẩu từ các thị trường FTA thế hệ mới và cách xử lý do chuyên gia Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan phổ biến và hướng dẫn.
Học phần 4: Vấn đề lao động trong các FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; tình hình thực thi các cam kết lao động của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; các quy định mới về lao động của các đối tác FTA thế hệ mới; hướng dẫn cách thức xây dựng chiến lược đáp ứng các quy định về lao động tại các thị trường FTA thế hệ mới… do chuyên gia Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày và trao đổi;
Học phần 5: Xúc tiến thương mại trong các FTA thế hệ mới, bao gồm các nội dung: Cách tìm hiểu và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường FTA thế hệ mới; cách thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả; sử dụng công cụ Macmap trong xúc tiến thương mại; các quy định, chính sách hiện hành về xúc tiến thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý; các vấn đề thực tiễn liên quan đến xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu sang thị trường các FTA thế hệ mới; cách thức xử lý và xúc tiến thương mại hiệu quả. Các nội dung do chuyên gia Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương và chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ tại Việt Nam trình bày, hướng dẫn.
Các mô-đun (học phần) được thiết kế tích hợp những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tạo điều kiện cho học viên tham gia tương tác, thảo luận và ôn tập về những nội dung liên quan đến thực thi, tận dụng các FTA.
Kết thúc lớp đào tạo, các học viên sẽ tham gia thi và được cấp Giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo cơ bản về chuyên gia FTA.
Sau Lớp Đào tạo chuyên gia FTA cơ bản 1 tại Hà Nội, theo kế hoạch trong tháng 12 này, Bộ Công Thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương) tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo tương tự tại TP. Đà Nẵng (Từ ngày 18 - 22/12/2023) và TP. Hồ Chí Minh (Từ ngày 25 - 29/12/2023).