Sidebar

Magazine menu

04
Sat, Jan

Lãnh đạo trường ĐHNT làm diễn giả chính tại Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2018 (TECHFEST 2018)

Sự kiện tiêu biểu

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Vietnam là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội. Sau 4 năm tổ chức, Techfest 2018 trở lại với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu” (From here to global).

 Tối ngày 29/11/2018, Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 (Techfest 2018) đã chính thức diễn ra tại TP. Đà Nẵng. Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Vũ Đức Đam - Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên BCH TW Đảng: Bộ trưởng các Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS HCM Lê Quốc Phong, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể TW và địa phương, Ông Philipp Rösler - Giám đốc điều hành, thành viên Ban quản trị diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp, các bạn sinh viên, thanh niên trong cả nước. Đại diện trường ĐHNT tham dự Techfest 2018 có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đồng thời cũng là diễn giả chính tại Lễ khai mạc, PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm FIIS.

Với chủ đề "Trường Đại học- cái nôi của khởi nghiệp sáng tạo", bài phát biểu của PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã kể câu chuyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường ĐHNT. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường ĐHNT được nhiều người biết đến là ngôi trường của các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên với hơn 40 CLB sinh viên hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau và hơn 20 cuộc thi khởi nghiệp do sinh viên tổ chức, trong đó có nhiều cuộc thi đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia mà đã được cộng đồng quốc tế trong khu vực biết đến như Thử thách sáng tạo xã hội VSIC, Khởi nghiệp cùng Kawai.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn mở đầu câu chuyện bằng một trăn trở trở làm thế nào để biến các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên thành các hoạt động khởi nghiệp chuyên nghiệp trong một Trường Đại học. Và câu trả lời đã có được khi Nhà trường tham gia vào chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP). Qua chương trình, Nhà trường đã thay đổi nhận thức về vai trò và sứ mệnh của Trường Đại học trong việc tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp; đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của nhà trường được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản về các hoạt động khởi nghiệp; nhà trường cũng đã quyết định đưa môn học khởi nghiệp sáng tạo vào nội dung đào tạo chính thức trong Trường ĐHNT. Một trong những bước đột phá là Nhà trường đã quyết định thành lập Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU (FIIS). Trung tâm này thực sự đã trở thành một ngôi nhà chung thu hút sự tham gia của hàng trăm trường Đại học trong nước và đại học quốc tế, hàng chục các chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt có sự tham gia của hơn 20 quỹ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Kết quả là trong một thời gian ngắn đã có hơn 10 startup đã được ươm tạo và được giới thiệu nhận được sự đầu tư của các quỹ đầu tư.

Thầy tiếp tục câu chuyện về khởi nghiệp tại trường ĐHNT bằng một trăn trở, đó là khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp thì vai trò của trường Đại học chỉ dừng lại ở việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên hay tham gia vào cả các hoạt động ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Cuối cùng, Trường ĐHNT đã quyết định tham gia vào cả 2 lĩnh vực. Và thực tế đã cho thấy những thành công bước đầu. Tuy nhiên, Thầy cũng nhấn mạnh một khi các Trường Đại học tham gia vào hoạt động ươm tạo thì cần có một sự cố gắng và nỗ lực rất lớn từ phía lãnh đạo Nhà trường cũng như các Thầy Cô giáo, cần một sự đầu tư rất lớn trong đó có đầu tư cả về con người.

Kết thúc bài phát biểu, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đề xuất một số kiến nghị. Một là để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, cần phải có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn. Hai là cần phải tăng cường sự liên kết giữa các Trường Đại học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là sự liên kết giữa các Trường Đại học và các Doanh nghiệp thông qua các hợp đồng hợp tác và đầu tư. Cuối cùng là để các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên phát triển được và đi đến cùng thì cần có một quỹ đầu tư mạo hiểm trong trường Đại học.