Sidebar

Magazine menu

30
Mon, Dec

Tọa đàm “CISG & SMEs” của khoa Luật

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 20/12/2021, Khoa Luật đã phối hợp với Trung tâm Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UNCITRAL RCAP), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) và CISG Việt Nam tổ chức tọa đàm “CISG & SMEs” (Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ) theo hình thức trực tuyến.

Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập khoa Luật.

Toạ đàm có sự tham gia của các khách mời và diễn giả có uy tín trong và ngoài nước: Bà Athita Komindr - Giám đốc Trung tâm UNCITRAL Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; TS. Luca Castellani - Chuyên gia pháp lý, Ban thư ký của UNCITRAL; Bà Lê Thị Kim Thành – Trưởng phòng Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa; LS. Nguyễn Trung Nam – Trọng tài viên, Thành viên sáng lập Công ty Luật EPLegal, TS. Hà Công Anh Bảo – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Luật; PGS, TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Phòng Tổ chức - Nhân sự, Trưởng Bộ môn Pháp luật Kinh doanh quốc tế; PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng và ThS. Trần Thanh Tâm – Giảng viên Cơ sở II tại TP. HCM cùng hơn 150 giảng viên, nhà nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp và sinh viên.

Sau phần phát biểu khai mạc của TS. Hà Công Anh Bảo và bà Athita Komindr, TS. Luca Castellani đã giới thiệu tổng quan về CISG và lý giải mối liên hệ giữa CISG & SMEs. Sau đó, tọa đàm được chia thành hai phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “SMEs và thương mại quốc tế” do TS. Hà Công Anh Bảo và LS. Nguyễn Trung Nam làm chủ tọa. Trong phiên này, người tham dự đã lắng nghe và cùng trao đổi xoay quanh tham luận của bà Lê Thị Kim Thành về những khó khăn và rủi ro pháp lý của SMEs trong hội nhập thương mại quốc tế và tham luận của ông Lê Anh Văn về những thuận lợi và khó khăn của SME trong hội nhập thương mại quốc tế.

Ở phiên thảo luận thứ hai về chủ đề “CISG & SME” do PGS, TS Nguyễn Minh Hằng và PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng làm chủ tọa, ThS. NCS. Trần Thanh Tâm đã trao đổi về cơ chế lấp chố trống (gap-filling) theo Điều 7(2) CISG và một số vấn đề lưu ý cho SMEs. Trong bài tham luận kết thúc tọa đàm, LS. Nguyễn Trung Nam đã nhấn mạnh những kỹ năng soạn thảo hợp đồng áp dụng các điều khoản CISG đối với SMEs.

Tọa đàm đã cung cấp các thông tin cập nhật và hữu ích về những khó khăn, rủi ro pháp lý mà SMEs tại Việt Nam đã, đang hoặc có thể phải đối mặt khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế, nhận định về mối quan hệ giữa CISG và SMEs, đánh giá thực trạng áp dụng CISG của SMEs, cách thức vận dụng các điều khoản của CISG và chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.