Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Hội thảo khoa học: “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 09/01/2019, tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi”.

Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ của Đề tài Nafosted “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, mã số 505.01-2018.01 do TS. Nguyễn Ngọc Hà, Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương làm chủ nhiệm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, CPTPP có hiệu lực đã đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc thực thi các cam kết mới trong các FTA thế hệ mới vừa là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế ở trong nước; vừa cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm hơn, đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đầu tư nguồn lực để thực thi có hiệu quả các quy định. Trong bối cảnh đó, việc Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Ngoại Thương, những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của cả nước trong đào tạo về luật và thương mại quốc tế, phối hợp đồng tổ chức hội thảo này không chỉ tạo nên một diễn đàn có ý nghĩa để các học giả và nhà nghiên cứu của Việt Nam và nước ngoài trao đổi, thảo luận về chiến lược tham gia cũng như về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác hết sức có ý nghĩa giữa hai trường trong tương lai.

Thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, hội thảo đã tuyển chọn và công bố 22 bài viết có chất lượng xoay quanh bốn chủ đề chính: i) Tham gia các FTA thế hệ mới – lựa chọn chính sách cho Việt Nam; ii) Thách thức khi thực thi các nội dung truyền thống trong các FTA thế hệ mới; iii) Thách thức khi thực thi các vấn đề phi truyền thống trong các FTA thế hệ mới; và iv) Các thách thức chung khi thực thi FTA thế hệ mới của Việt Nam.

Khi FTA thế mới là cuộc chơi mà Việt Nam không thể đứng ngoài…

Mở đầu hội thảo, TS. Vũ Kim Ngân, đến từ Trường Đại học Ngoại Thương, đã giới thiệu tổng quát về quá trình hình thành, đặc trưng và các nội dung cơ bản của FTA thế hệ mới. Được hình thành trong giai đoạn thứ ba, FTA thế hệ mới có các đặc trưng cơ bản như: mức độ tự doa thương mại sâu; phạm vi cam kết bao trùm, toàn diện; có tiêu chuẩn cao, cơ chế giám sát chặt chẽ hơn và có cơ chế giải quyết tranh chấp riêng biệt; tham gia vào các FTA thế hệ mới thường có các nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Theo TS. Vũ Kim Ngân, các FTA thế hệ mới hướng tới việc đảm bảo cân bằng lợi ích thông qua những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Điều này cũng cho thấy, dù có sự tham gia của các nước phát triển, các nước đang phát triển, như Việt Nam, đã thể hiện được tiếng nói trong quá trình đàm phán các FTA thế hệ mới, nhờ đó, có thể được hưởng nhiều lợi ích do các FTA này mang lại. Tuy nhiên, TS. Ngân cũng nhấn mạnh, vì không chỉ nhấn mạnh đến tự do hóa thương mại, các hiệp định này có thể hàm chứa nhiều cam kết trong đó có nhiều lĩnh vực mới, vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại, nên việc thực thi các hiệp định mới cũng cần có sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của các quốc gia tham gia.

Đánh giá quá trình tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam từ góc độ hệ thống chính sách và pháp luật, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đối với Việt Nam trong thời gian qua phải kể đến là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước. Việc tham gia các FTA thế hệ mới gắn liền với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực – một lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đặt sự quan tâm đặc biệt. Gần đây, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia vào các FTA thế hệ mới. Với định hướng cơ bản là trong 5-10 năm tới, Việt Nam cần tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế […], tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động, phù hợp, Nghị quyết số 06-NQ/TW đã vạch ra những bước đi phù hợp cho Việt Nam khi bắt đầu giai đoạn thực thi các FTA thế hệ mới quan trọng. Cũng cần lưu ý là, trên cơ sở hệ thống quan điểm, đường lối nêu trên, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở vững chắc cho việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA nói chung và FTA thế hệ mới nói riêng. Có thể kể đến các văn bản như Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khái thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực…

Điều này cho thấy đứng trước cuộc chơi mới về hội nhập kinh tế khu vực, Việt Nam thể hiện tâm thế sẵn sàng, với những bước chuẩn bị khá đầy đủ và chắc chắn. Sự chủ động của Việt Nam giúp Việt Nam không bỡ ngỡ cũng như không nằm ngoài xu thế phát triển chung của thế giới.

… nhưng với nhiều thách thức ở phía trước

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo đều cho rằng, dù các FTA mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng thách thức đối với Việt Nam là không hề nhỏ. Vì các FTA thế hệ mới hàm chứa các cam kết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, cả truyền thống và phi truyền thống, Việt Nam sẽ phải nỗ lực ở nhiều khía cạnh mới có thể tận dụng được các lợi thế của các hiệp định này.

Trình bày về các thách thức khi thực thi các nội dung truyền thống của các FTA thế hệ mới, PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc, Trường Đại học Ngoại Thương, đã đề cập đến các thách thức đối với Việt Nam khi thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP – một trong những FTA có cam kết sâu nhất về lĩnh vực này hiện nay. Việc phải gia nhập các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ cũng như phải thực thi một cách nghiêm ngặt việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ sẽ buộc Việt Nam có nhiều điều chỉnh về thể chế pháp luật. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội, theo đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là một trong những lĩnh vực phải sửa đổi nhiều nhất để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của CPTPP.

Ở một khía cạnh khác, liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế mới được đưa vào Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư song phương (IPA) Việt Nam – Liên minh châu Âu, ThS. Nguyễn Thị Nhung, Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp, cho rằng cơ chế mới được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế những bất cập hiện có của hệ thống ISDS hiện tại và hạn chế đáng kể việc lạm dụng cơ chế ISDS bởi các nhà đầu tư thiếu thiện chí thông qua việc yêu cầu chặt chẽ hơn yêu cầu khởi kiện và khoanh vùng các ngoại lệ. Ngược lại, việc thực thi cơ chế mới có thể dẫn đến những quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử; sự độc lập, khách quan của các trọng tài viên không mang quốc tịch Việt Nam; áp lực lớn hơn về thời gian tố tụng; tính chung thẩm của phán quyết trọng tài hay cơ chế minh bạch hóa dẫn đến tất cả các phán quyết được công khai… Do đó, dù khi EVFTA và IPA có hiệu lực, Việt Nam không cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, Việt Nam vẫn cần phải có những bước chuẩn bị về nhân sự, thể chế pháp luật, tăng cường tính minh bạch trong thực thi pháp luật về đầu tư…

Trong khi đó, các tác giả Nguyễn Thị Lan Hương và Nguyễn Xuân Mỹ Hiền, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đi sâu vào phân tích việc áp dụng “tiêu chuẩn công bằng và thỏa đáng” (FET) và “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” trong các FTA thế hệ mới nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhìn nhận vấn đề ở góc độ phát triển bền vững, hai tác giả cho rằng việc đưa các nội dung về môi trường vào FTA thế hệ mới là xu hướng ngày càng nhận được nhiều quan tâm của các quốc gia. Nói cách khác, đó là cách thức để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và bảo vệ một số lợi ích phi kinh tế của xã hội, qua đó làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của quốc gia, nhà đầu tư. Việc đưa FET vào CPTPP và EVFTA cũng không nằm ngoài lo-gic này. Các tác giả chỉ ra quy định của CPTPP thể hiện rõ mục tiêu theo đó các bên ký kết muốn giới hạn sự mở rộng quá mức nội hàm của FET, từ đó, sẽ giúp Việt Nam cũng như các bên ký kết khác giảm thiểu rủi ro bị kiện theo các điều khoản FET khi theo đuổi các chính sách hướng đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để vận dụng đúng các quy định nhằm tạo ra lá chắn hiệu quả bảo vệ Nhà nước trước những khiếu kiện có liên quan của nhà đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến cách thức ban hành, áp dụng các biện pháp quản lý nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường phải đảm bảo các yêu cầu về minh bạch và đúng thủ tục.

Quan tâm đến vấn đề thương mại và lao động, PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương và TS. Lê Thị Thúy Hương cho rằng việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào khung pháp lý thương mại quốc tế nói chung và vào các FTA thế hệ mới nói riêng là hợp lý và cần thiết. Xem xét vấn đề một cách chi tiết hơn, từ việc phân tích các quy định về lao động trong EVFTA, các tác giả đã chỉ ra để tuân thủ tốt các quy định này, Việt Nam cần phải phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đồng thời, các tác giả cũng đánh giá việc phê chuẩn ba công ước cũng có thể tác động đến việc trì hoãn phê chuẩn EVFTA bởi Nghị viện châu Âu.

Có thể thấy, dù ở lĩnh vực truyền thống hay phi truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Các thách thức này sẽ lớn hơn nếu các doanh nghiệp, những chủ thể chịu tác động chính của FTA thế hệ mới, không hiểu và nắm rõ các quy định của FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, dường như, đây lại là thực tế ở Việt Nam. TS. Hà Công Anh Bảo, Trường Đại học Ngoại Thương, trên cơ sở kết quả điều tra xã hội học về tác động của FTA đến hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, cho thấy có tới 49% doanh nghiệp trả lời không biết hoặc chỉ hiểu rất ít về các FTA thế hệ mới. Đây là điều mà Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo công tác tuyên truyền của Nhà nước và việc áp dụng FTA từ phía doanh nghiệp đạt được hiệu quả như mong muốn.

Như vậy, sau một thời gian dài đàm phán nhiều FTA thế hệ mới quan trọng, Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn thực thi các cam kết của mình. Thách thức là không nhỏ, nhưng hy vọng với tinh thần chủ động, sáng tạo khi hội nhập, Việt Nam sẽ giải quyết được các vấn đề để từ đó tạo ra những động lực lớn hơn cho sự phát triển của đất nước. Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều bài trình bày và trao đổi có chất lượng, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới và cơ hội hợp tác về nhiều mặt giữa Trường Đại học Ngoại Thương với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết của một số cơ quan báo chí về hội thảo:

- Báo Sài Gòn giải phóng: http://www.sggp.org.vn/49-doanh-nghiep-viet-nam-khong-biet-ve-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-569885.html

- HVT7: http://www.htv.com.vn/fta-the-he-moi-thach-thuc-doanh-nghiep-viet-nam

 Một số hình ảnh tại Hội thảo:

1. Các diễn giả và khách mời tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm 

2. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Ngoại Thương làm chủ tọa Hội thảo

3. Hình ảnh một số diễn giả trình bày tại Hội thảo

TS. Vũ Kim Ngân – Khoa Luật Trường Đại học Ngoại Thương

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc, Trưởng Bộ môn Pháp luật Thương mại quốc tế, Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Ngoại Thương

ThS. Nguyễn Thị Nhung, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Khoa Luật Quốc tế, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh