Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Hội thảo khoa học quốc tế "Quan hệ đối tác EU - ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong 2 ngày 9 và 10/10/2017, Khoa Luật trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế: “Quan hệ đối tác EU-ASEAN và những thách thức từ các sáng kiến hợp tác của các cường quốc kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. 

Hội thảo chào mừng Ngày truyền thống của Trường Đại học Ngoại thương và chào mừng kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Luật. Hội thảo do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Trường Đại học Rennes 2 (Cộng hòa Pháp) và các đối tác đến từ Pháp, Bỉ, Canada, với sự tài trợ và bảo trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham gia của 30 diễn giả đến từ Cộng hòa Pháp (ĐH Rennes 1, ĐH Rennes 2, ĐH Rouen, ĐH Tours, Trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Pháp tại Châu Á), Bỉ (ĐH Gent), Italia (ĐH Bocconi), Canada (ĐH Sherbrooke, ĐH Quebec- Montreal, ĐH Laval, ĐH Ottawa), Brunei (ĐH Brunei Darussalam), Trung Quốc (ĐH Tsinghua), Việt Nam (ĐH Ngoại Thương, ĐH Luật TP.HCM, Học viện Ngoại giao). Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham gia của đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp của Việt Nam. Một số đại diện của khu vực tư nhân (tập đoàn Michelin, công ty luật Audier&partners) cũng tham gia thảo luận tại Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo về phía khách mời có Ngài Bertrand LORTHOLARY, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ngài Bruno ANGELET, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương; TS Nguyễn Hữu Huyên, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Tư Pháp; GS Lesley LELOUREC, Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế, Đại học Rennes 2; GS Jacques OULHEN - Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và đào tạo, ĐH Rennes 2; các nhà khoa học, học giả, chuyên gia quốc tế đến từ các nước Pháp, Bỉ, Canada, Hongkong, Brunei. Về phía Nhà trường có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS, TS Hoàng Văn Châu - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường;PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng khoa Luật, trưởng/phó các đơn vị trong toàn trường, các Thầy/Cô giáo cùng các em sinh viên trường Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi Hội thảo khoa học quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, học giả, nhà nghiên cứu, luật sư, giảng viên đến từ các Bộ, ban ngành, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đến tham dự và có bài tham luận gửi hội thảo. Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa học thuật cao của chủ đề hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ kỳ vọng các đại biểu tham dự hội thảo sẽ đóng góp nhiều ý kiến mới mẻ và những trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở, góp phần vào thành công của Hội thảo.

Các tham luận và trao đổi trong Hội thảo tập trung thảo luận từ các quan hệ đối tác song phương và đa phương đến việc thiết lập mạng lưới nghiên cứu về “Quan hệ đối tác mới năng động của EU tại Châu Á-Thái Bình Dương” (NODYPEX). Từ một thập kỷ qua, các hiệp định hợp tác và đối tác kinh tế và thương mại song phương và đa phương liên tiếp được ký kết giữa các cường quốc kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nằm trong khu vực địa lý quan trọng của nền kinh tế thế giới, ASEAN và các quốc gia thành viên được coi là những đối tác quan trọng của mọi cường quốc kinh tế trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Liên minh Châu Âu EU tham gia thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia ASEAN với những thách thức về địa kinh tế và địa pháp lý có liên quan.

Hội thảo được tổ chức tại ĐH Ngoại Thương là hội thảo nền móng cho mạng lưới nghiên cứu mới (NODYPEX) với mục đích đối chiếu quan hệ đối tác EU-ASEAN với các ý tưởng hợp tác thực hiện bởi ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ… trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mạng lưới nghiên cứu đa ngành phân tích các mức độ tương tác khác nhau giữa các quan hệ đối tác trong khu vực và liên khu vực, cũng như tác động của các quan hệ đối tác này tới tương lai của sự hội nhập khu vực ASEAN và quan hệ EU-ASEAN. Mạng lưới nghiên cứu này sẽ gồm các trụ cột là trường Đại học Rennes 2 và trung tâm nghiên cứu IODE, CEJM Rennes tại Châu Âu; Đại học Quebec tại Montreal (UQAM) tại Bắc Mỹ và trường Đại học Ngoại Thương tại khu vực ASEAN. Mạng lưới còn đón nhận sự quan tâm tham gia của các trung tâm nghiên cứu và trường đại học khác tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Thông qua các đối tác của mình, trường ĐH Ngoại Thương là đầu mối để mở rộng mạng lưới nghiên cứu này đến các đối tác trong khu vực.

Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quan-he-doi-tac-euasean-va-nhung-thach-thuc-3901952-v.html