Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Hội thảo Quốc tế "Tạo thuận lợi thương mại: Kinh nghiệm của châu Âu và bài học cho Việt Nam"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong hai ngày 20 và 21/3/2017, Trường Đại học Ngoại Thương kết hợp với Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quốc tế và Cộng đồng (Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp), dưới sự tài trợ của dự án WTI/SECO đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế với chủ đề “Tạo thuận lợi thương mại: Kinh nghiệm của châu Âu và bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng về cả mặt nghiên cứu và thực tiễn trong bối cảnh Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 22/02/2017, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của WTO và của hệ thống thương mại đa biên. Là một trong các Thành viên đã chính thức phê chuẩn Nghị định thư năm 2014 về việc đưa TFA vào danh mục các hiệp định thuộc phụ lục 1A của Hiệp định Marrakesh năm 1994, Việt Nam đứng trước nhu cầu cấp thiết cần xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp để tận dụng các cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức phát sinh từ việc thực thi TFA.

Đến tham dự hội thảo, có GS. Nathalie RUBIO, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quốc tế và Cộng đồng (CERIC), Đại học Aix-Marseille (Pháp); ông Roman WINDISCH, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ, Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tại Việt Nam; ông Matthieu PENOT, tùy viên hợp tác thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; và các nhà nghiên cứu và chuyên gia quốc tế về pháp luật thương mại quốc tế. Về phía Việt Nam, có ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước khác, lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư, các giảng viên, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói chung và tạo thuận lợi thương mại nói riêng. Ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, hội thảo cũng thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà nghiên cứu về kinh tế thương mại, khoa học quản lý, do đó mang tới một bức tranh đa chiều về vấn đề tạo thuận lợi thương mại.

GS. Nathalie Rubio, Giám đốc CERIC, trao quà lưu niệm cho PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn- Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học là một trong các định hướng chiến lược của Nhà trường nhằm nâng cao năng lực cho các giảng viên các khoa chuyên môn. Thầy Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh việc tổ chức thành công Hội thảo này thể hiện sự trưởng thành về chuyên môn của Khoa Luật, và cũng là một sự kiện hướng tới kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Khoa.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

Tiếp đó, GS. Nathalie Rubio, thay mặt CERIC, đã cảm ơn chân thành Trường Đại học Ngoại Thương đã tạo cơ hội để các chuyên gia Pháp đến tham dự và trình bày các vấn đề có liên quan đến kinh nghiệm của châu Âu về hội thảo. GS cũng hy vọng hội thảo này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai cơ sở trong đào tạo cũng như trong nghiên cứu khoa học.

Ngài Roman Windisch, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ, Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Cuối cùng, Ông Roman Windisch đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam với Thụy Sỹ. Những tài trợ mà SECO thực hiện, thông qua dự án WTI/SECO dành cho trường đại học Ngoại Thương là một minh chứng rõ nét cho những cam kết mà Thụy Sỹ đã đưa ra liên quan đến những khoản trợ giúp kỹ thuật mà Thụy Sỹ sẵn sàng dành cho các nước đang phát triển nói chung và dành cho Việt Nam nói riêng. Ông Roman Windisch cũng hy vọng những hợp tác như vậy sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong tương lai.

 GS. Nathalie Rubio, Giám đốc CERIC, phát biểu khai mạc hội thảo

Các chủ đề của hội thảo, với cách nhìn đa chiều, có sức thu hút lớn đối với người tham gia

Mở đầu các phiên làm việc của Hội thảo, GS. Marie-Pierre Lanfranchi, đến từ trường Đại học Aix-Marseille, đã trình bày một báo cáo dẫn đề. Nhấn mạnh đến việc hiện nay không có định nghĩa cụ thể về tạo thuận lợi thương mại, GS. Marie-Pierre Lanfranchi trước tiên đã diễn giải ý nghĩa của thuật ngữ này, sau đó nêu lên ý nghĩa của vấn đề, nhất là trong bối cảnh của Liên minh châu Âu. Cuối cùng, GS. Marie-Pierre Lanfranchi cho rằng hội thảo là cơ hội quý giá để các chuyên gia thảo luận nhiều vấn đề, cả về mặt lý luận và thực tiễn, liên quan đến tạo thuận lợi thương mại. Các vấn đề này có thể xoay quanh các trục ý tưởng lớn, như: vai trò và chức năng của pháp luật trong quá trình xây dựng và triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại; các khía cạnh của học thuyết pháp luật toàn cầu liên quan đến “sự di trú các thuật ngữ pháp lý”; khả năng thích nghi với các quy định của pháp luật quốc tế của hệ thống pháp luật trong nước…

GS. Marie-Pierre Lanfranchi trình bày báo cáo dẫn đề hội thảo

Sau đó, các diễn giả và đại biểu đã trình bày, đóng góp, trao đổi và thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở về các ý kiến xoay quanh các chủ đề của hội thảo. Thông qua bốn phiên làm việc với 13 bài trình bày, Hội thảo đã thảo luận về ba vấn đề lớn, bao gồm: Tạo thuận lợi thương mại và Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO; Kinh nghiệm châu Âu về tạo thuận lợi thương mại; và Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam và một số kiến nghị.

Ở phiên làm việc đầu tiên về Tạo thuận lợi thương mại và Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO, dưới sự chủ tọa của TS. Nguyễn Minh Hằng, trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại Thương và GS. Nathalie Rubio, Giám đốc CERIC, các diễn giả Việt Nam đã tiếp cận vấn đề ở cả góc độ kinh tế và góc độ luật học. PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương, bằng việc phân tích các bộ chỉ số khác nhau về tạo thuận lợi thương mại và vận tải đã đánh giá thực trạng năng lực hệ thống vận tải của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò trụ cột của cơ sở hạ tầng vận tải và logistics trong tạo thuận lợi thương mại. Dưới góc độ pháp lý, ThS. Lý Vân Anh, Phó trưởng khoa, Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao, đã trình bày về mối quan hệ giữa TFA với các hiệp định khác của WTO và với các hiệp định thương mại tự do, từ đó đi sâu giải quyết vấn đề nội luật hóa quy định của các hiệp định này tại Việt Nam. Trong khi đó, bài trình bày của GS. Hugues Hellio, tới từ Đại học Artois, Cộng hòa Pháp, đã đưa ra những phân tích thú vị về mối quan hệ giữa tạo thuận lợi thương mại và các biện pháp môi trường, qua đó Giáo sư khẳng định việc thực thi TFA không những không hạn chế quyền bảo vệ môi trường của các nước thành viên mà ngược lại có thể tạo điều kiện để các nước thành viên hoàn thiện các biện pháp môi trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Phiên làm việc đầu tiên

Tại phiên làm việc thứ hai, dưới sự chủ tọa của GS. Marie-Pierre LANFRANCHI (Đại học Aix-Marseille), các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã trao đổi về những kinh nghiệm đa dạng của Liên minh châu Âu từ quá trình xây dựng chính sách tạo thuận lợi thương mại cho tới khi triển khai chính sách và thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan tại tòa án châu Âu. Trước tiên, GS. Nathalie Rubio đã trình bày các kinh nghiệm liên quan đến tạo thuận lợi từ việc giải quyết tại Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu các tranh chấp có liên quan đến Việt Nam. Các vụ tranh chấp này đã cho phép làm sáng tỏ nhiều vấn đề về giải thích pháp luật châu Âu, như việc phân chia thẩm quyền, các khái niệm cốt lõi của pháp luật chống bán phá giá. Điều này sẽ giúp ích cho Việt Nam cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc định hướng chính sách để có thể kinh doanh thành công tại châu Âu nhờ vào việc vận dụng được những biện pháp về tạo thuận lợi thương mại của liên minh này. Tiếp đó, thông qua nghiên cứu quá trình triển khai cơ chế hải quan một cửa và sáng kiến thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại châu Âu, hai diễn giả tới từ trường Đại học Ngoại thương, TS. Nguyễn Minh Hằng – Trưởng khoa Luật và TS. Phan Thị Thu Hiền, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, đều đánh giá đây là những bài học quý báu cho Việt Nam trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy hoạt động thương mại và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước.

Phiên làm việc thứ hai

Phiên làm việc thứ ba do PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) làm chủ tọa tiếp tục thảo luận về kinh nghiệm châu Âu trong quá trình tạo thuận lợi thương mại. Dưới góc độ vĩ mô, GS. Ahmed Mahiou, Đại học Aix – Marseille, Pháp; Nguyên Trưởng khoa Luật Alger (Algeria), Thành viên Viện Luật Quốc tế và là nguyên Chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế (Liên Hiệp Quốc), đã phân tích mối quan hệ hợp tác song phương giữa liên minh châu Âu và Algeria trong tiến trình thương mại hóa, qua đó đưa ra những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – EU, trong đó có quan hệ về tạo thuận lợi thương mại. Đặc biệt, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu về khoa học quản lý, PGS. TS. Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đã nhấn mạnh mối quan hệ tác động qua lại giữa phát triển chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi thương mại, phân tích từ kinh nghiệm phát triển chuỗi cung ứng trong tiến trình thúc đẩy thương mại của Thụy Điển và Thái Lan. Cuối cùng, TS. Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên của Khoa Luật đã trình bày tham luận về vai trò của chủ thể tư trong quá trình tạo thuận lợi thương mại. Dù phần lớn các biện pháp về tạo thuận lợi thương mại đều do quốc gia hoặc tổ chức quốc tế ban hành, không thể phủ nhận là các chủ thể tư cũng có những tiếng nói nhất định. Tiếng nói đó có thể thể hiện thông qua việc tham gia của họ vào các cuộc tham vấn, vào các hoạt động hợp tác để tăng cường năng lực các cơ quan có thẩm quyền, hay trong các khiếu kiện có liên quan đến tạo thuận lợi thương mại. Từ thực tiễn của Liên minh châu Âu liên quan đến sự tham gia của chủ thể tư trong quá trình tạo thuận lợi thương mại, TS. Nguyễn Ngọc Hà cũng đã khuyến nghị Việt Nam có thể thiết lập một cơ chế cho phép các chủ thể tư yêu cầu chính phủ điều tra các biện pháp cản trở tạo thuận lợi thương mại của nước ngoài; khắc phục các hạn chế liên quan đến chương trình doanh nghiệp ưu tiên và thiết lập các thiết chế cho phép tiến hành tham vấn thường xuyên với chủ thể tư.

Phiên làm việc thứ 3

Làm chủ tọa tại phiên làm việc thứ tư, GS. Nathalie Rubio, Giám đốc CERIC, đã cùng với bốn diễn giả, ông Nguyễn Toàn – Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan Việt Nam; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Thị Hồng Phúc – Cục Hải quan Hải Phòng; PGS.TS. Lê Thị Thu Hà – Đại học Ngoại thương, thảo luận về thực tiễn tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam. Ông Nguyễn Toàn đã chỉ ra những khó khăn và thách thức, bao gồm cả thách thức từ các yếu tố nội tại và các yếu tố khách quan đối với Việt Nam nói chung và ngành hải quan nói riêng trong việc thực thi các nghĩa vụ của TFA. Để thực thi TFA một cách có hiệu quả, theo ông Nguyễn Toàn cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ và đi vào chiều sâu giữa các quốc gia trong cả vấn đề xây dựng chính sách và triển khai thực thi.  Xem xét từng khía cạnh cụ thể, PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương đã chia sẻ về những vấn đề mà Việt Nam có thể gặp phải khi thực thi TFA liên quan tới an toàn thực phẩm, trong khi đó, PGS. TS. Lê Thị Thu Hà chỉ ra các thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tại biên giới về quyền sở hữu trí tuệ trong TFA. Từ  góc nhìn của một cán bộ hải quan, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc mang tới Hội thảo những kinh nghiệm thực tiễn về quá trình triển khai thủ tục thông quan tự động tại hải quan Hải Phòng, qua đó, đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như các hạn chế còn tồn tại và đưa ra những đề xuất mang tính ứng dụng cao nhằm tăng cường hiệu quả triển khai hải quan điện tử.

Phiên làm việc thứ 4

Các phiên làm việc đều nhận được sự tham gia thảo luận sôi nổi của các học giả, luật sư và các chuyên gia pháp lý. Nhiều câu hỏi đến từ các chuyên gia liên quan đến TFA, kinh nghiệm của châu Âu về tạo thuận lợi thương mại và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đơn giản hóa thủ tục hải quan, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,... đã được các diễn giả trả lời, góp phần làm rõ cách hiểu về các quy định trong TFA và gợi mở hướng giải quyết cho các vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình thực thi TFA.

Tạo thuận lợi thương mại không phải là một đích đến mà là một quá trình

Như ông Nguyễn Toàn đã nhấn mạnh tại Hội thảo, “Tạo thuận lợi thương mại không phải là một đích đến mà là một quá trình”, do đó không chỉ cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia mà còn cần sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể tư trong việc đề xuất và triển khai các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại. Mặc dù phân tích các khía cạnh khác nhau trong việc thực thi TFA, các diễn giả đều thống nhất việc áp dụng các quy định của TFA không làm phương hại đến quyền của các thành viên mà ngược lại, mang tới những cơ hội và tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy thương mại tự do. Phiên thảo luận cuối cùng của hội thảo đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới có thể tiếp tục được mở rộng trong tương lai như vấn đề kiểm soát tại biên giới, vấn đề duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu kiểm soát để đảm bảo an ninh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và nhu cầu tạo thuận lợi thương mại...  Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Hà đã tổng kết những vấn đề đa dạng được thảo luận tại Hội thảo bao gồm cả các vấn đề lý luận và thực tiễn về tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ liên minh châu Âu và Việt Nam và các phân tích đa chiều từ phương diện pháp lý cũng như góc nhìn kinh tế, quản lý. Đồng thời, TS. Nguyễn Ngọc Hà cũng đã tổng kết các khuyến nghị được đưa ra trong các bài tham luận thành ba nhóm lớn: các khuyến nghị về mặt chính sách, các khuyến nghị về mặt thể chế và các khuyến nghị khác.

Hội thảo quốc tế “Tạo thuận lợi thương mại: Kinh nghiệm của châu Âu và bài học cho Việt Nam” đã kết thúc và để lại những dư âm tốt đẹp đối với những người tham dự. Với những kết quả đạt được thông qua quá trình thảo luận cởi mở cũng như với những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, Hội thảo hi vọng sẽ mang tới những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong việc thực thi và đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ trong TFA, từ đó, thúc đẩy hoạt động thương mại và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Hội thảo cũng hi vọng cung cấp những thông tin bổ ích và cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội và lợi ích do TFA mang lại, đồng thời phát huy vai trò của doanh nghiệp trong quá trình cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hải quan nói riêng tại Việt Nam dưới ảnh hưởng của TFA. Hội thảo hứa hẹn mở ra những cơ hội hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn,  các trường đại học và viện nghiên cứu trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tại Việt Nam cũng như trong các nghiên cứu về pháp luật thương mại quốc tế.