Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan
34 Bài viết mới

Trường ĐH Ngoại thương 60 năm xây dựng và phát triển - Phần 3: Trường Đại học Ngoại thương trong thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế

Sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi

 I. Bối cảnh chung của đất nước trong giai đoạn này

Từ năm 1986, Chính phủ Liên Xô bắt đầu  giảm viện trợ cho các nước kém phát triển hơn trong khối các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Trong thời kỳ này, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn căng thẳng. Những năm đầu của thập kỷ 1990, các nước XHCN ở Đông Âu nối tiếp nhau sụp đổ, Liên Xô tan rã. Tại khu vực Châu Á, làn sóng toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa nền kinh tế với khu vực và thế giới trở thành trào lưu chính. Bối cảnh quốc tế này đã tác động đến Việt Nam, đặt ra cho Việt Nam một yêu cầu phải thay đổi, phải tìm ra một mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Trong nước, năm 1985 – 1986, nền kinh tế Việt Nam thực sự lâm vào khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, thiếu lương thực và hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Về ngoại thương, cho đến thời gian này ta vẫn thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền, Nhà nước kiểm soát thương nghiệp trong nước, phân phối hàng hóa theo kế hoạch.

Đứng trước bối cảnh kinh tế đó, năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện. Đại hội VI đã đưa ra nhận thức mới về cơ chế kinh tế; đã khẳng định sự tồn tại khách quan của nền kinh tế hàng hoá và kinh tế thị trường. Công cuộc đổi mới kinh tế được thực hiện theo các nội dung chủ yếu: Chuyển từ một nền kinh tế chủ yếu gồm kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể sang nền kinh tế gồm nhiều thành phần, cùng tồn tại lâu dài, bình đẳng trước pháp luật; Xoá bỏ độc quyền ngoại thương, từng bước mở cửa nền kinh tế; khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và từng bước mở rộng quan hệ với các nước có chế độ chính trị khác nhau.

II. Tình hình phát triển của Trường giai đoạn đầu sau khi chuyển về trực thuộc Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp 

1. Bộ máy, cơ cấu tổ chức và đội ngũ

Ban Giám Hiệu tới năm 1985 có Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Doãn Đính, các phó Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Trung – phụ trách đời sống, sản xuất; đồng chí Bùi Xuân Lưu, phụ trách chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập. Ngoài Ban Giám Hiệu, lúc này trường có 2 Khoa chuyên môn, 9 Phòng,  ban quản lý và một Xưởng trường với nhiều đơn vị phục vụ như Thư viện, Phòng Điện thanh, Phòng Thí nghiệm, Nhà ăn tập thể, Nhà trẻ mẫu giáo, Hợp tác xã tiêu thụ.

Năm 1985, Nhà trường có Hội đồng trường để tư vấn cho Hiệu trưởng các vấn đề có tính chất cơ bản của trường. Ngoài Hội đồng trường, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương còn quyết định thành lập các Hội đồng khác để thực hiện các hoạt động khác của nhà trường.

Các phòng (ban) chức năng làm nhiệm vụ tham mưu và giúp việc cho Hiệu trưởng trong việc quản lý và tổ chức thực hiện một số mặt công tác của nhà trường. Việc thành lập (giải thể) các phòng (ban) chức năng và bổ nhiệm nhân sự của Trưởng đơn vị do Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN quyết định trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng. Phó phòng (ban) do Trưởng phòng (ban) đề nghị và Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm. Vào năm 1985, Nhà trường có những phòng (ban) sau: Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Quản lý Đào tạo (gọi tắt là Phòng Đào tạo), Phòng Quản lý Khoa học (gọi tắt là Phòng Khoa học), Phòng Tài vụ - Kế toán, Phòng Hành chính – Quản trị - Đời sống, Phòng Bảo vệ, Ban Quản lý công trình, Khoa tại chức.

Vào thời điểm năm 1985, các cơ sở phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất của nhà trường chưa được đầy đủ nhưng đã có Thư viện, phòng Thí nghiệm, phòng Thiết bị học tiếng. Ngoài ra, vào giai đoạn này nhà trường có xưởng trường để sản xuất, gia công một số mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu và đời sống cán bộ, học sinh. Để phục vụ đời sống, Nhà trường có một khu tập thể cán bộ, khu tập thể học sinh, nhà ăn tập thể, trạm y tế, hợp tác xã tiêu thụ, trại chăn nuôi tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hà Sơn Bình.

Các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo là Bộ môn, Khoa và lớp học. Bộ môn là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành (đối với bộ môn có quản lý chuyên ngành đào tạo) hoặc giảng dạy một môn hoặc một số môn học gần nhau; là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục rèn luyện học sinh.

Khoa là đơn vị quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất. Mỗi khoa theo nguyên tắc quản lý một ngành hoặc một chuyên ngành đào tạo. Nhưng do một số năm trước, trường Đại học Ngoại thương theo quyết định của Bộ Ngoại thương đảm nhận thêm việc đào tạo cán bộ phiên dịch cho ngành nên ngoài chuyên ngành kinh tế ngoại thương còn có thêm “hệ" phiên dịch. Vì vậy, từ năm 1972, trường Đại học Ngoại thương có hai chuyên ngành. Căn cứ vào những điều kiện để thành lập Khoa tại Quyết định số 35-QĐ-BĐH ngày 17/07/1985, lãnh đạo nhà trường đã đề nghị Bộ giải thể cấp Khoa và thành lập các bộ môn trực thuộc Hiệu trưởng.

Năm 1985, trường Đại học Ngoại thương có 11 bộ môn và 2 Khoa chuyên môn.  Trong 11 bộ môn, có 2 bộ môn trực thuộc Hiệu trưởng là Bộ môn Mác – Lê nin và bộ môn Thể dục – quân sự, 5 bộ môn trực thuộc Khoa Nghiệp vụ và 4 môn ngoại ngữ trực thuộc Khoa Ngoại ngữ. Khoa Nghiệp vụ lúc bấy giờ có 35 cán bộ giáo viên đảm nhiệm giảng dạy 5 bộ môn chuyên ngành, đó là bộ môn Kỹ thuật nghiệp vụ kinh doanh ngoại thương (Luật, Thanh toán quốc tế, Tổ chức kỹ thuật và Vận tải); bộ môn Kinh tế Ngoại thương (thị trường, quan hệ kinh tế quốc tế, địa lý, kinh tế); bộ môn Quản lý kinh tế (quản lý kinh tế, kế toán, thống kê kế toán); bộ môn Thương phẩm học và Toán kinh tế. Khoa ngoại ngữ bao gồm 4 bộ môn Nga văn, Anh văn, Pháp văn và Nhật văn với 41 cán bộ giáo viên trực thuộc.

Đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên của nhà trường vào năm 1985 có trên 206 người, đội ngũ cán bộ giảng dạy là 82 người với 100% là đào tạo đại học và trên đại học. Đội ngũ giảng dạy tuy được đánh giá là chưa nhiều nhưng có quá trình giảng dạy, bồi dưỡng thêm về thực tế, sau và trên đại học đã có kinh nghiệp và trình độ cần thiết để đảm nhận công tác giảng dạy và đi sâu vào nghiên cứu khoa học.

Cơ cấu tổ chức và nhân sự của nhà trường từ giai đoạn 1987 đến 1998 đã có một số thay đổi.  Ban Giám Hiệu thời kỳ này là đồng chí Bùi Xuân Lưu, Phó Tiến sĩ Khoa học Kinh tế làm Hiệu trưởng, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Trung chuyển công tác vào Nam (đồng chí Trung làm Hiệu trưởng 1 năm từ 1986). Đồng chí Hứa Minh Triết là Phó Hiệu trưởng, sau đó chuyển về Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại tại thành phố Hồ Chí Minh thì đồng chí Vũ Phạm Đính làm Phó Hiệu trưởng và sau đó kiêm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Nguyễn Hồng Đàm, Phó Tiến sỹ Khoa học Kinh tế, Phó Hiệu trưởng được phân công phụ trách công tác chuyên môn. Từ năm 1994, Ban Giám Hiệu có thêm đồng chí Nguyễn Thị Mơ, Tiến sĩ Luật học làm Phó Hiệu trưởng.

Các phòng, ban, trung tâm trong giai đoạn này so với năm 1985 cũng được cơ cấu lại, theo hướng phù hợp hơn. Năm 1990, nhà trường có 8 phòng, ban, đơn vị phục vụ:  Phòng Hành chính Quản trị, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Công tác Chính trị, Phòng Quản lý đđào tạo, Thư viện, Khoa Tại chức, Ban Quản lý công trình và Trung tâm thực nghiệm nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Các khoa và bộ môn của nhà trường vào năm 1990 bao gồm: Khoa Kinh tế Ngoại thương (Khoa Nghiệp vụ được đổi tên thành Kinh tế Ngoại thương từ năm này), Khoa Kinh tế cơ sở và Cơ bản, Khoa Ngoại ngữ và Bộ môn Mác – Lê nin.  Năm 1991, bộ phận Quan hệ quốc tế được thành lập trong phòng Quản lý Khoa học nên Phòng Quản lý Khoa học đổi tên thành Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế. Năm 1993 trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) Nhà trường đã thành lập Bộ môn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ trực thuộc BGH nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giai đoạn này Nhà trường vẫn có hệ thống các Hội đồng  tư vấn cho Hiệu trưởng như Hội đồng trường, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hội đồng giám định chức danh Khoa học, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật, Hội đồng xét nâng bậc lương, Hội đồng phân phối nhà ở.

Về đội ngũ cán bộ, giảng viên, năm 1990 giảm xuống so với năm 1985. Đến năm 1990, nhà trường có 173 cán bộ, trong đó có 88 cán bộ giảng viên, 95 cán bộ quản lý với 100% cán bộ giảng dạy là có trình độ đại học trở lên. Mặc dầu vậy, tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ trên đại học trong giai đoạn này nhà trường đã đạt là 11%, cụ thể 10 cán bộ có trình độ trên đại học, Phó tiến sĩ.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, tại Đại hội Đảng lần thứ XIV năm 1993, Nhà trường đã đề ra mục tiêu số giảng viên có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ đạt khoảng từ 20 đến 25% trong tổng số giảng viên. Từ đó, nhà trường đã xây dựng và thực thi nhiều chính sách ưu tiên trong việc nâng cao trình độ của giảng viên có học vị thạc sĩ và tiến sĩ. Được sự quan tâm của Bộ, giảng viên của trường đã bắt đầu được đi đào tạo một cách có hệ thống ở các nước khác nhau trên thế giới nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các loại hình khác nhau như : Tham gia các hội thảo quốc tế, các khóa đào tạo nghiệp vụ và quản lý, thực tập chuyên môn, thực tập ngoại ngữ, và đào tạo có trình độ tiến sỹ. Công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc và được đánh giá là có hiệu quả hơn. Thực hiện định hướng và nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ, kết quả đến thì đến năm 1998, nhà trường đã có tổng số 217 cán bộ, trong đó có 117 cán bộ giảng dạy, trong đó có 1 Giáo sư, 7 Phó Giáo sư, 27 Giảng viên chính, 1 Tiến sĩ, 15 Phó Tiến sĩ, 30 Thạc sĩ và 23 Giảng viên đang học cao học.

Trong giai đoạn này, cũng có lúc để tìm tòi phương hướng phát triển của trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã từng có ý tưởng về xây dựng trường Đại học Ngoại thương thành một "Trường bán công" nhưng sau khi thảo luận kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi trong tập thể cán bộ, giảng viên, nhà trường vẫn duy trì phát triển là một trường Đại học công lập. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của nhà trường, tháng 2/1996, phương hướng và nhiệm vụ được đặt ra, đã xác định rõ nhà trường “cần phấn đấu giữ vững thế ổn định và phát triển với tư cách là trường Kinh tế Đối ngoại trong hệ thống các trường Đại học của Việt Nam, tiếp tục đổi mới, từng bước hiện đại hóa Nhà trường, trước hết là chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển dần sang đào tạo đa ngành, nâng cao chất lượng đào tạo đi đôi với việc mở rộng quy mô và đa dạng loại hình đào tạo phù hợp với khả năng của trường và nhu cầu xã hội, mạnh dạn đổi mới, xin phép đổi mới cơ bản cơ chế quản lý Nhà trường, tạo điều kiện để Trường có thể năng động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.„[1]. Bí thư Đảng ủy của Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI là đồng chí Nguyễn Thị Mơ.

Trong giai đoạn này, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực những bộ máy tổ chức của nhà trường vẫn liên tục được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ nhà trường tiếp tục được tăng cường và nâng cao trình độ.

2. Công tác đào tạo

Theo số liệu thống kê, đến năm 1985, nhà trường đã cung cấp cho ngành ngoại thương 3.774 cán bộ có trình độ đại học, trong đó 1.681 cán bộ tốt nghiệp hệ Kinh tế Ngoại thương, 599 hệ phiên dịch, 101 hệ tại chức, 540 kỹ sư ngoài ngành, 452 các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại thương và ngoại ngữ.

Vào năm 1985, sinh viên trường Đại học Ngoại thương được tổ chức thành từng lớp học, mỗi lớp được chia thành các phân lớp. Mỗi lớp có Ban đại diện gồm lớp trưởng, hai  lớp phó do tập thể học sinh bầu và Hiệu trưởng ra quyết định công nhận. Lớp học do Phòng đào tạo quản lý và chỉ đạo trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm lớp. Học sinh  ngoài việc học tập tốt, thực hành theo kế hoạch học tập còn tham gia hoạt động sản xuất do nhà trường quy định, phải phục tùng sự phân công ngành học khi mới vào trường và phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Vào những năm đầu của quá trình đổi mới kinh tế của nước nhà, trường Đại học Ngoại thương đã xác định rất rõ mục tiêu đào tạo của nhà trường, đó là “đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ kinh tế ngoại thương bậc đại học có phẩm chất chính trị tốt, có kiến thức cơ bản, hệ thống về kinh tế ngoại thương, có khả năng nghiên cứu và thực hành các khâu kinh doanh ngoại thương, biết và sử dụng được một ngoại ngữ trong công tác chuyên môn hàng ngày; có sức khỏe tốt để làm việc lâu dài ở trong nước và nước ngoài", cụ thể:

- Về phẩm chất chính trị: có lý tưởng cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, giữ vững đường lối độc lập tự chủ, có tinh thần yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa vô sản đúng đắn, có ý chí quyết tâm xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh; yêu ngành nghề, có hoài bão đem các kiến thức đã học cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của ngành, góp phần làm cho ngành đuổi kịp trình độ nghiệp vụ và khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; biết vận dụng đúng đắn quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, gắn bó với công nông, chí công vô tư, khiêm tốn, kỷ luật, chính xác, trung thực, khẩn trương.

- Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ: nắm được kiến thức cần thiết về kinh tế chung, nắm vững những kiến thức cơ bản, có hệ thống về kinh tế ngoại thương; biết phương pháp nghiên cứu và có kỹ năng thực hành tương đối thành thạo; vận dụng sáng tạo những kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của cơ quan đặt ra và có năng lực tổ chức thực hiện.

- Về ngoại ngữ: Nghe hiểu, chính xác, đầy đủ người khác nói tiếng mình học trong lĩnh vực công tác của mình và ở tốc độ bình thường; có khả năng diễn đạt bằng tiếng mình học tương đối lưu loạt tư duy của mình trong giao dịch sát với âm điệu chuẩn và với tốc độ bình thường; đọc hiểu chính xác các sách báo, tài liệu viết bằng tiếng mình học thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế ngoại thương và những văn bản giấy tờ giao dịch ngoại thương thông thường; viết được bằng tiếng mình học những thư từ, tài liệu thông thường trong giao dịch ngoại thương; dịch miệng được nội dung giao dịch ngoại thương thông thường; dịch viết được các thư tín, các văn bản trong các khâu giao dịch, có cơ sở ngôn ngữ chắn chắn để tiếp tục học thêm.

- Có đủ sức khỏe để học tập, lao động bảo vệ Tổ quốc và công tác lâu dài cả trong nước và ngoài nước.

Kế hoạch học tập của hệ tập trung dài hạn kinh tế ngoại thương là 5 năm trong đó bao gồm thời gian lên lớp, thời gian thi kiểm tra, quân sự, thực tập, lao động và nghỉ hè, tết. Kết cấu chương trình đào tạo toàn khóa được thiết kế tương đối khoa học, bao gồm:

-         Các môn lý luận chính trị Mác Lê nin: có kinh tế chính trị học, triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, hai chuyên đề bổ sung là đạo đức học và truyền thống;

-         Các môn kinh tế cơ sở và quản lý kinh tế: toán kinh tế (giải tích, đại số, xác suất thống kê, quy hoạch tuyến tính); địa lý kinh tế, kế hoạch hóa kinh tế quốc dân; kinh tế công nghiệp; kinh tế nông nghiệp;

-         Các môn lý luận và nghiệp vụ ngoại thương: Quan hệ kinh tế quốc tế; Ngoại thương Việt Nam; Thương phẩm hàng hóa, Tổ chức kỹ thuật ngoại thương; Thanh toán quốc tế; Vận tải bảo hiểm hàng hóa ngoại thương; Luật Ngoại thương; Nghiên cứu thị trường hàng hóa; Nguyên lý thông kê và thống kê ngoại thương; Nguyên lý kế toán và kế toán ngoại thương; Phân tích kinh tế; Quản lý kinh doanh ngoại thương;

-         Ngoại ngữ: học sinh được phân học một trong các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Nhật;

-         Thi tốt nghiệp 4 môn: Lý luận Mác Lê nin; Lý luận ngoại thương; Nghiệp vụ ngoại thương; Ngoại ngữ.

Nhà trường quy định viết luận văn tốt nghiệp thay cho việc thi môn Lý luận ngoại thương và Nghiệp vụ ngoại thương. Ngoài phần học lý thuyết, thi, kiểm tra các môn, học sinh phải hoàn thành nhiều tiểu luận như tiểu luận kinh tế chính trị, tiểu luận triết học, các môn nghiệp vụ, các môn lý luận, đề án môn học hoặc chuyên đề thực tập môn học tại năm thứ 3 và chuyên đề thực tập tốt nghiệp vào năm thứ năm cũng như chuyên đề có giá trị tương đương với môn học chính.

Trong quá trình học tập, thể hiện phương châm gắn liền lý luận với thực tiễn, nhà trường với xã hội, học sinh có nhiều đợt tham gia phục vụ thực tế. Hai năm đầu, mỗi năm sinh viên có 2 tuần lao động sản xuất giản đơn, phục vụ yêu cầu xây dựng xã hội, xây dựng trường. Năm thứ ba, học sinh có đợt thực tập 9 tuần (thực tập giữa khóa), kết thúc thông thường bằng việc viết một báo cáo chuyên đề thực tập. Kết thúc học kỳ I năm thứ 5 là đợt thực tập tốt nghiệp kéo dài trong 16 tuần. Đây là đợt thực tập chính của toàn khóa. Học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp thu thập được vào việc nghiên cứu một đề tài của thực tế kinh doanh, sau đợt thực tập, học sinh phải viết chuyên đề thực tập tốt nghiệp. Địa bàn thực tập có thể ở các tổ chức kinh doanh, cơ quan nghiên cứu, quản lý.

Ngoài hệ đào tạo dài hạn tập trung, giai đoạn này nhà trường còn thực hiện đào tạo hệ đại học dài hạn tại chức, hệ chuyên tu, cũng như các hệ khác là bồi dưỡng cán bộ tốt nghiệp đại học ngoài ngành (kỹ sư) và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, các lớp chuyên tu ngoại ngữ.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vào năm 1988 đã tổng kết ở công tác đào tạo, nhà trường đã chủ động mạnh dạn mở rộng các loại hình đào tạo và địa bàn hoạt động, Trường mở rộng địa bàn hướng về các địa phương tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Công tác quản lý đào tạo đang từng bước được hoàn thiện hơn.

Trong giai đoạn 5 năm từ 1986 đến 1990, số lượng sinh viên nhập học dài hạn tập trung tăng lên nhanh chóng phù hợp với nhu cầu đổi mới kinh tế, phát triển các thành phần kinh tế của đất nước, cụ thể năm 1986 là 24 sinh viên, 1987 tăng lên 38;  1988 là 85; 1989 là 197 sinh viên, 1990 là 360 sinh viên. Trong giai đoạn này, thời gian học tập của đào tạo chính quy dài hạn tập trung vẫn được duy trì là 5 năm, nhưng được kết cấu gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn I gồm 2 năm đầu, và giai đoạn II gồm 3 năm sau. Học hết giai đoạn I, một bộ phận học sinh đạt kết quả học tập khá giỏi được chuyển thẳng sang giai đoạn II để học tiếp. Số còn lại phải qua một kỳ thi. Nếu đỗ, học sinh được chuyển sang giai đoạn II để tiếp tục học. Trong giai đoạn I, học sinh học 20 môn bao gồm: Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, toán cao cấp, Lý thuyết xác suất và toán thống kê, Tin học đại cương, Pháp lý đại cương, Kinh tế sử dụng tài nguyên, Lịch sử kinh tế quốc dân, Lý thuyết kế hoạch hóa, Lý thuyết thống kê, Lý thuyết hạch toán kế toán, Cơ sở khoa học của quản lý kinh tế, Lý thuyết về giá cả, Lý thuyết về tài chính và tín dụng, Quan hệ kinh tế quốc tế, Ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung), Thể dục thể thao và quân sự.

Giai đoạn II, học sinh học 16 môn học bao gồm Kinh tế ngoại thương, Quan hệ kinh tế quốc tế, Thống kê ngoại thương, Kế toán ngoại thương, Marketing quốc tế, Nghiên cứu thị trường và giá cả, Tổ chức kĩ thuật ngoại thương, Lưu thông tiền tệ, thanh toán và tín dụng quốc tế, Vận tải và bảo hiểm hàng hóa ngoại thương, Luật áp dụng trong ngoại thương, Quản lý chất lượng sản phẩm xuất nhập khẩu, Ngoại ngữ chính, Ngoại ngữ thứ hai, Thư tín thương mại, Quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại, Xã giao đối ngoại. Các môn thi chuyển giai đoạn gồm có Kinh tế Chính trị, Quan hệ kinh tế quốc tế và ngoại ngữ.

Trên cơ sở dự báo về tình hình phát triển kinh tế và mở rộng kinh tế đối ngoại của cả nước, năm 1990, nhà trường đã đưa ra một số kế hoạch để thực hiện cho tương lai, đó là “trường Đại học Ngoại thương cần đa dạng hóa loại hình đào tạo, trong đó có loại hình đào tạo sau đại học. Đồng thời nội dung các môn học cũng cần được bổ sung và đổi mới theo kịp với thực tiễn sinh động ở trong và ngoài nước. Ở nước ta, nhu cầu đào tạo về kinh tế, kinh tế đối ngoại ở các tỉnh phía Nam cao hơn nhiều so với các tỉnh phía Bắc. Vì thế, việc thành lập thêm một cơ sở nữa của trường đặt ở thành phố Hồ Chí Minh là một yêu cầu bức bách hiện nay.„[2]

Thực hiện kế hoạch đặt ra, năm 1992, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ đào tạo cao học cho trường Đại học Ngoại thương  chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế. Năm 1994, nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, đào tạo Nghiên cứu sinh. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của Nhà trường. Việc được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, đào tạo Nghiên cứu sinh đã mở ra nhiều điều kiện và định hướng phát triển mới cho nhà trường.

Tiếp đó, năm 1993, theo đề nghị của nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số1485/GD&DT ngày 10/07/1993 để thành lập Cơ sở II của trường tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngành ngoại thương cho các tỉnh và thành phố phía Nam.

Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV năm 1993, Ban chấp hành Đảng bộ đã làm rõ mối quan hệ giữa quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo cũng như phát triển đội ngũ giảng viên. Đại hội đã chỉ ra số lượng tuyển sinh tăng nhanh do yêu cầu của xã hội và uy tín của nhà trường, nhưng nhà trường cũng kiên quyết đảm bảo khâu chất lượng và phát triển đội ngũ, đã từ chối việc đào tạo tại chức ở nhiều địa phương khi được đề nghị.

Trong phương hướng, nhiệm vụ đề ra của Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương trong nhiệm kỳ XIV năm 1993, đã chỉ rõ: “Trên cơ sở quán triệt chủ trương đổi mới sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tranh thủ những điều kiện thuận lợi, khai thác hết tiềm năng sẵn có, tiếp tục tăng thêm các loại hình đào tạo theo đúng mục tiêu và yêu cầu của xã hội đi đôi với coi trọng chất lượng đào tạo, giữ quy mô hàng năm ở khoảng 6.000 sinh viên, mỗi năm có 1200 đến 1500 sinh viên tốt nghiệp ra trường.„[3]

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, quy mô đào tạo trong giai đoạn từ năm 1993 trở đi đến 1998 bắt đầu tăng mạnh. Nếu trong những năm trước năm 1990, mỗi năm chỉ tiêu đào tạo khoảng trên dưới 100 sinh viên. Tới những năm 1990, số lượng chỉ tiêu tăng dần lên 300, rồi từ những năm 1993 trở đi, quy mô tuyển sinh hàng năm tăng vượt mức 1.000 sinh viên một năm. Số lượng thí sinh có nguyện vọng thi vào trường ngày càng đông và điểm chuẩn để thi đỗ vào trường luôn luôn cao và đứng đầu trong các trường Đại học ở Việt Nam. Sinh viên ra trường tiếp tục được đánh giá là đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhu cầu đối với hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, được xã hội đánh giá cao.

Có thể nói, mặc dù khởi đầu của thời kỳ đổi mới kinh tế nhà trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác đào tạo của Nhà trường vẫn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cũng như toàn thể đội ngũ giảng viên, cán bộ nhà trường coi trọng và liên tục được đảm bảo duy trì với chất lượng cao, quy mô ngày càng mở rộng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đất nước.

3. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vào năm 1988 đã tổng kết công tác nghiên cứu khoa học có nhiều tiến bộ so với những năm trước, trong 2 năm 1986 – 1987, nhà trường có 33 đề tài nghiên cứu khoa học được đăng ký, trong đó có 2 đề tài khoa học cấp Bộ. Năm 1988, có 20 đề tài cấp trường, một đề tài cấp Bộ là xây dựng từ điển ngoại thương Nhật – Việt – Anh đã được hoàn thành. Nhà trường đã biên soạn được 7 bộ giáo trình, in được 3 bộ giáo trình và nhiều tài liệu tiếng Anh, Nga, Pháp để đáp ứng nhu cầu của học viên. Trong giai đoạn này, nhà trường có hai tập san “Sinh hoạt khoa học" và “Những vấn đề kinh tế ngoại thương" vẫn ra đều đặn 1 năm 7 số.

Trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1998, nhà trường đã thực hiện được nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của nhà trường có ý nghĩa thực tiễn to lớn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết những vấn đề của thực tiễn cũng như trong việc hoạch định các chính sách, trong đó đặc biệt là các chính sách thuộc các lĩnh vực như:

-         Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Việt nam đến năm 2000 (đề tài nhánh cấp Nhà nước KX03-12: Hoàn thiện và đổi mới cơ chế quản lý và chính sách kinh tế đối ngoại – được nghiệm thu năm 1996);

-         Chính sách thương mại và Luật thương mại Việt Nam (đề tài: Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay và xu hướng hướng hoàn thiện – được nghiệm thu năm 1996; đề tài: Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cơ chế thị trường – được nghiệm thu năm 1997);

-         Chính sách thuế và thuế xuất nhập khẩu Việt Nam (đề tài: Cơ sở khoa học của việc cải cách thuế xuất nhập khẩu – được nghiệm thu năm 1998);

-         Chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (đề tài: Đánh giá tác động của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam – nghiệm thu năm 1998).

Ngoài ra, trường Đại học Ngoại thương cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong số ít trường trong hệ thống các trường đại học đã có đầy đủ giáo trình và sách giáo khoa chuyên ngành. Số đầu sách và giáo trình chuyên ngành đến năm 1998 là hơn 60 đầu sách. Trong số các giáo trình, tài liệu chuyên ngành phải kể đến là: Giáo trình Tổ chức và kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương; Giáo trình Thanh toán quốc tế; Giáo trình Vận tải ngoại thương; Giáo trình Kinh tế ngoại thương, Giáo trình Đầu tư nước ngoài...

Cùng với phòng trào nghiên cứu khoa học của giáo viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã đạt được nhiều thành tích đáng kể như thành lập Câu lạc bộ sinh viên Nghiên cứu khoa học năm 1993, có nội san Sinh viên nghiên cứu khoa học. Do hoạt động nghiên cứu khoa học tích cực, từ năm 1994, trường đại học ngoại thương luôn là trường có tỷ lệ đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi “Giải thưởng sinh viên NCKH" do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.

4. Các mặt công tác khác của Nhà trường

Năm 1991, đứng trước những nhu cầu phát triển quan hệ và hợp tác quốc tế, Nhà trường đã thành lập bộ phận Quan hệ quốc tế trực thuộc Phòng Quản lý Khoa học và Quan hệ quốc tế. Từ đó đến năm 1998, có thể nói nhà trường đã mở rộng được các quan hệ quốc tế và thu được nhiều kết quả và thành tựu tốt đẹp:

-         Có hàng chục doanh nghiệp, công ty, tổ chức nước ngoài đã cấp hàng trăm suất học bổng trong nhiều năm liên cho sinh viên Đại học Ngoại thương;

-         Nhà trường là thành viên của khối đại học Pháp ngữ, hàng năm, sinh viên tiếng Pháp nhà trường được cấp 120 suất học bổng thường xuyên;

-         Bộ môn tiếng Nhật được Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản tài trợ thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Nhật;

-         Nhà trường đã có các quan hệ hợp tác nghiên cứu, giảng dạy với các trường của Australia, Trung Quốc, Nhật, Pháp, Achentina, Thái Lan...

-         Nhà trường đã liên kết với nước ngoài tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học như Hội thảo về “Kinh nghiệm kinh doanh thành đạt„ năm 1996, “Kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Mỹ và ASEAN„ năm 1997 phối hợp với Tổ chức trao đổi nguồn lực thế giới (Hoa Kỳ) và các giảng viên, doanh nghiệp Singapore.

Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập, làm việc và nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng có những thay đổi và tiến bộ. Nếu như giai đoạn từ năm 1973 trở về trước, toàn trường là những nhà một tầng, cấp bốn, dột nát thì năm 1974 có thêm một ngôi nhà 4 tầng được sử dụng làm khu làm việc và sau này làm ký túc xá cho sinh viên nội trú và năm 1985 nhà trường đã có thêm khu nhà 5 tầng – nay là Nhà B – để làm phòng làm việc, giảng đường và thư viện. Khu nhà D cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1995 – nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường.

Với những cố gắng và thành tích đạt được trong giai đoạn này, trường Đại học Ngoại thương đã vinh dự được Nhà nước phong tặng:

-         Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1985;

-         Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 1990;

-         Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1995;

-         Và nhiều Huân chương, Huy chương và các phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân trong trường.

Năm 1990, nhân dịp 30 năm ngày thành lập Trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng cán bộ giáo viên sinh viên nhà trường.

III. Trường Đại học Ngoại thương trong giai đoạn chuyển từ trường đào tạo đơn và chuyên ngành thành trường đào tạo đa ngành, tiếp tục giữ vững uy tín là trường Đại học hàng đầu cả nước về chất lượng đào tạo

1. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường ngày càng phát triển và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

Thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV (năm 1996) là “lãnh đạo toàn Trường … chuyển dần sang đào tạo đa ngành…”, năm 1998 là năm đánh dấu bước ngoặt của trường Đại học Ngoại thương, chuyển từ trường đại học đào tạo đơn ngành và chuyên sâu về Kinh tế đối ngoại thành trường đại học đa ngành. Từ năm học 1998 trở đi, nhà trường chính thức được phép đào tạo 3 ngành, đó là: ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đối ngoại; ngành Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế và Ngành tiếng Anh, chuyên ngành Tiếng Anh thương mại. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự thay đổi cơ bản của nhà trường và cũng là giai đoạn đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của Ban lãnh đạo nhà trường, của toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên toàn trường.

Ban Giám Hiệu Nhà trường trong giai đoạn này gồm có: PGS, TS Nguyễn Thị Mơ, Hiệu trưởng; PGS, TS Hoàng Ngọc Thiết, Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy; TS Nguyễn Phúc Khanh, Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Hoàng Văn Châu, Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2004, Ban Giám hiệu có PGS, TS Nguyễn Thị Quy là Phó Hiệu trưởng.

Từ năm 1998, trường Đại học Ngoại thương trở thành trường đại học đa ngành nên cơ cấu tổ chức của nhà trường cũng được điều chỉnh và hoàn thiện theo hướng trên. Năm 1998, nhà trường có 4 khoa giảng dạy chuyên môn và 5 bộ môn trực thuộc Ban Giám hiệu, đó là Khoa Kinh tế Ngoại thương, Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Cơ bản – Kinh tế cơ sở, Khoa Tiếng Anh, Bộ môn Mác – Lê nin, Bộ môn tiếng Nhật, Bộ môn tiếng Pháp, Bộ môn tiếng Nga, Bộ môn tiếng Trung quốc. Còn Bộ môn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ sáp nhập vào khoa Kinh tế Ngoại thương. Ngoài ra, nhà trường có 13 phòng, khoa, ban, trung tâm trực thuộc Ban Giám hiệu, đó là Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Quản lý Đào tạo, Khoa Đào tạo – Bồi dưỡng Tại chức, Khoa Sau Đại học, Phòng QLKH và QHQT, Phòng Công tác chính trị và sinh viên, Phòng Quản trị Tài vụ, Thư viện, Tổ Thiết bị giảng dạy và học tập, Ban bảo vệ, Trung tâm Feretco, Trung tâm Thông tin, Trung tâm VJCC – Hà Nội. Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2000, để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong việc giảng dạy các môn lý luận Mác – Lê nin, Bộ môn Mác - Lê nin nhận quyết định chuyển từ Bộ môn thành Khoa Lý luận Mác - Lê nin. Tới năm 2003, nhà trường tách Phòng QLKH và QHQT thành 2 đơn vị độc lập là Phòng Quản lý Khoa học và Phòng Quan hệ Quốc tế. Năm 2004, trên cơ sở Văn phòng dự án được thành lập để thực hiện Dự án Giáo dục Đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ, nhà trường thành lập Phòng Quản lý Dự án trực thuộc Ban Giám hiệu.

Cùng với việc mở rộng và phát triển thêm các Khoa, các Phòng,... đội ngũ cán bộ cũng tăng về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng. Năm 2000, nhà trường có tổng số 242 cán bộ trong đó cán bộ giảng dạy là 174 người. Trong tổng số 174 giảng viên có 38% có trình độ từ thạc sĩ trở lên và 9,7% có học hàm Phó giáo sư, giáo sư và học vị Tiến sĩ. Năm 2003, tổng số cán bộ giáo viên là 288 người, trong đó cán bộ giảng viên là 203 người, với 4 giáo sư, 5 phó giáo sư, 21 người có trình độ từ tiến sĩ trở lên, 86 người có trình độ từ thạc sĩ trở lên, chiếm 42% tổng số cán bộ giảng dạy. Đây là chỉ tiêu khá cao, vượt so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của nhà trường là số cán bộ giảng dạy có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm 40% tổng số cán bộ giảng dạy. Đến đầu năm 2005, tổng số cán bộ giảng viên của nhà trường lên tới 350 người, trong đó cán bộ giảng dạy là 261 người, số cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 45,7%  và số cán bộ có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư là 13%.

Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương lần thứ XVI năm 1998, lần thứ XVII năm 2000 và lần thứ XVII năm 2003 đều đề ra phương hướng phát triển trường Đại học Ngoại thương thành một trường đại học đa ngành, nòng cốt, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực kinh tế đối ngoại, quản trị doanh nghiệp và các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác. Các đại hội đều bầu ra Ban Chấp hành và đồng chí Hoàng Ngọc Thiết được bầu là Bí thư Đảng ủy của Đảng bộ từ năm 1998 cho tới năm tháng 4/2004. Từ tháng 7/2004, đồng chí Hoàng Văn Châu được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy.

Trong giai đoạn này, tháng 11/2000, kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, đồng chí Lê Khả Phiêu  - Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm và làm việc với trường. Đồng chí đã đánh giá cao vị trí và vai trò của trường Đại học Ngoại thương trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển và đổi mới của đất nước.

2. Chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao tiếp tục khẳng định uy tín của trường Đại học Ngoại thương ở trong và ngoài nước

Giai đoạn từ 1998 đến 2005 là giai đoạn nhà trường thực hiện chủ trương của Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đa dạng hóa ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai đào tạo 3 ngành đào tạo với 3 chuyên ngành tương ứng thuộc loại hình chính quy, 2 ngành và chuyên ngành đào tạo thuộc loại hình phi chính quy, 1 ngành đào tạo sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ) với tổng số hơn 12.000 sinh viên thuộc các loại hình.

Từ năm học 2003 - 2004 nhà trường tuyển sinh thêm chuyên ngành Luật Kinh doanh Quốc tế thuộc ngành Quản trị Kinh doanh. Quy mô đào tạo bình quân từ năm 1996-2005 tăng 2.350 sinh viên/năm cả chính quy và phi chính quy, tốc độ tăng quy mô đào tạo khoảng 10%/năm.

Trong giai đoạn này, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc rà soát các chương trình đào tạo, loại bỏ những môn học không còn phù hợp, bổ sung và cập nhật những môn học mà nền kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi. Các giảng viên của nhà trường đã mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường áp dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, tích cực sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của người thầy và kết quả học tập của người học.

Chất lượng đào tạo được nâng cao đối với tất cả các loại hình và cấp đào tạo, thể hiện qua thông tin phản hồi từ thị trường lao động. Sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương không chỉ vững vàng về kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng sử dụng thành thạo một trong các ngoại ngữ thông dụng (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Nga). Ngoài ra, sinh viên ĐHNT được đánh giá là thông minh, năng động, sáng tạo và có khả năng thích ứng cao với các điều kiện làm việc ở trong và ngoài nước.

Nhằm giữ vững uy tín, chất lượng, mặt khác, nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc của xã hội, nhà trường đã mở rộng một cách cẩn trọng dựa trên các điều kiện cần và đủ, địa bàn đào tạo ở Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ngoài Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Cơ sở II của nhà trường tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng được quan tâm, số lượng sinh viên gia tăng, chất lượng sinh viên được xã hội đánh giá cao và phát triển một cách toàn diện so với giai đoạn trước.

3. Công tác nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ

Trong giai đoạn từ 1998 đến 2005, nhà trường đã thực sự quan tâm và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã thực hiện thành công hàng chục đề tài cấp Bộ, đề tài nghiên cứu cấp trường và hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, đặc biệt đã thực hiện xuất sắc 02 đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước, đó là:

-         Năm 1999 đến năm 2001, nhà trường thực hiện thành công đề tài độc lập cấp Nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển pháp luật thương mại – hàng hải quốc gia và quốc tế trong điều kiện Việt nam hội nhập khu vực và thế giới" do GS,TS Nguyễn Thị Mơ làm chủ nhiệm đề tài.

-         Năm 2001 đến năm 2004, nhà trường thực hiện thành công đề tài “Luận cứ khoa học xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Châu Âu giai đoạn 2001 – 2010" do PGS,TS Vũ Chí Lộc làm chủ nhiệm đề tài.

Cả 2 đề tài đã được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị cho xuất bản thành sách chuyên khảo nhằm chuyển tải kết quả nghiên cứu cho công chúng.

Ngoài ra, các hội thảo quốc tế, hội thảo cấp quốc gia cũng thường xuyên được nhà trường tổ chức. Năm 2003, nhà trường tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế" và đã thu hút được sự tham gia của các nhà quản lý cấp cao thuộc Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, ở các bộ ngành cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn này, năm 2002, tạp chí “Kinh tế đối ngoại" trên cơ sở của hoạt động của cuốn Nội san của nhà trường đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp phép, và nhanh chóng trở thành một diễn dàn khoa học trên phạm vi quốc gia, thường xuyên đăng tải những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài trường.

4. Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng

Hoạt động hợp tác quốc tế trong giai đoạn này đã phát triển đột phá.

Năm 1999, Nhà trường đã được Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam tin tưởng giao cho dự án thành lập Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) trên cơ sở đầu thầu quốc tế. Năm 2000, Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản đã được xây dựng tại Hà Nội, dưới sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản và năm 2001 một VJCC thứ 2 đã ra đời tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai trung tâm này hoạt động rất hiệu quả cho đến nay.

Do năng lực xây dựng và thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế, nhà trường đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao, trở thành một trong ba trường, không thuộc nhóm 14 các trường đại học trọng điểm của nhà nước, được giao thực hiện các Tiểu Dự án Giáo dục Đại học QIG A, QIG B, QIG C từ năm 2002 đến năm 2007. Việc thực hiện các Dự án này đã giúp nhà trường nâng cao năng lực đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và đặc biệt là góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn trường ở cả Hà Nội và Cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án UNCOFIN – dự án về đào tạo và quốc tế hóa hoạt động hợp tác quốc tế của các trường đại học do EU tài trợ; Dự án đào tạo Luật Thạc sỹ Kinh doanh Quốc tế với Đại học Tour (Cộng hòa Pháp), Dự án đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh với đại học Nante (Cộng hòa Pháp), Dự án Danida cũng là những hoạt động hợp tác quốc tế góp phần nâng cao năng lực đào tạo cho nhà trường, cho cán bộ giảng viên cũng như cho sinh viên của trường Đại học Ngoại thương. Cũng trong giai đoạn này, thông qua các dự án quốc tế, nhà trường đã gửi một lực lượng lớn đội ngũ giảng viên đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, nhà trường đã làm việc và ký kết với nhiều trường Đại học ở Châu Âu, Châu Mỹ, Trung quốc, Úc và Pháp về  trao đổi tài liệu, cùng xây dựng chương trình, học tập kinh nghiệm quản lý đào tạo theo tín chỉ, cùng tổ chức hội thảo khoa học. Nhiều cuộc Hội thảo quốc tế được tổ chức tại trường Đại học Ngoại thương với sự hợp tác với các tổ chức quốc tê như :UNDP, UNCTAD, UNCOFIN, WB, MULTRAP, JICA, DANIDA, WUSC, REI, JOCV…Thiết lập quan hệ đối tác với nhiều trường Đại học như: Đại học Hawaii, Đại học California Riverside, Đại học Buffalo,( USA), Đại học quốc tế Osaka, Đại học Kobe ( NB), Đại học kinh tế và Kinh doanh quốc tế (TQ), Đại học Bangkok (TL) Đại học tổng hợp Francois Rebelais de Tours( Đào tạo thạc sĩ Luật Kinh doanh Quốc tế với Pháp)…

5. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo của nhà trường tiếp tục được đầu tư

Nhờ những kết quả đạt được từ hoạt động hợp tác quốc tế nêu trên, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được ngày càng phát triển. Trong giai đoạn này, nhà trường đã xây dựng thêm 01 ký túc xá với 600 chỗ ở cho sinh viên với mô hình kép kín, được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là ký túc xá mẫu cho sinh viên toàn quốc và một nhà tập thể thao đa năng, hiện đại. Nhà trường cũng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn vốn của World Bank, để xây dựng Trung tâm thông tin và Thư viện trị giá 10 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Đặc biệt, về cơ sở vật chất, trong giai đoạn này, vào năm 1998, nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Đảng ủy và Ban giám Hiệu quyết định mua 4500 mét vuông đất tại thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng khuôn viên Cơ sở II ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng khuôn viên của nhà trường tại Cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh đã giúp nhà trường chấm dứt tình trạng thuê giảng đường và phòng học. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường tại Cơ sở II.

Thực hiện chủ trương hiện đại hóa để phát triển Cơ sở II, năm 2004 Nhà trường đã quyết định xây dựng tòa nhà đa năng cho cơ sở II  tại đường D5, phường 25, quận Bình thạnh, TP Hồ Chí Minh và cuối năm 2006 khu nhà này đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Như vậy, từ cuối năm 2006, Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tại thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn tự chủ về cơ sở vật chất, về khuôn viên, về giảng đường. Từ đó đến nay, số lượng và chất lượng đào tạo của nhà trường tại Cơ sở II ngày càng được mở rộng và phát triển. Sinh viên trường Đại học Ngoại thương tại Cơ sở II đã đóng góp vai trò nhất định trong việc phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại của các tỉnh phía Nam.

Cùng với việc phát triển cơ sở vật chất tại thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học ngoại thương đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất tại cơ sở ở Hà Nội. Ngoài việc trang bị thêm máy móc thiết bị, nhà trường đã nâng cấp toàn bộ hạ tầng cho toàn bộ khuôn viên trường và đã giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt vốn tồn tại hơn 30 năm mỗi khi có mùa mưa đến. Có thể nói đến giai đoạn này, cơ ngơi của Nhà trường đã đảm bảo tương đối tốt cho các hoạt động đào tạo của nhà trường tuy nhiên so với yêu cầu của một trường đại học thì vẫn còn nhiều hạn chế.

6. Các công tác khác

Nhà trường thường xuyên quan tâm đến các hoạt động xã hội, Đảng bộ, Công đoàn và Đoàn thanh niên đặc biệt chú trọng đến các hoạt động tình nghĩa như: thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, tăng quà đồng bào bão lụt, thăm và tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng tại Ninh Bình và Bắc Ninh. Cũng trong giai đoạn này, Đoàn thanh niên nhà trường đã nhận nuôi dưỡng 1 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, thực hiện hàng nghìn ngày công cho lao động công ích và các hoạt động tình nguyện, quyên góp giúp đỡ đồng bào bão lụt, hỗ trợ thiết thực cho các nạn nhân chất độc màu da cam… mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

IV. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, hướng mạnh vào hội nhập kinh tế quốc tế

Đảng và Nhà nước ta xác định, phát triển giáo dục và đào tạo là một quốc sách hàng đầu, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.  Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại. Triển khai thực hiện hệ thống kiểm định khách quan, trung thực chất lượng giáo dục đào tạo". Trong giai đoạn này, trường Đại học Ngoại thương là một trong những cơ sở đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, có uy tín về chất lượng, đã cố gắng phấn đấu theo định hướng trên, tạo được thương hiệu riêng, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.

Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX của nhà trường vào năm 2005 đã nêu rõ phương hướng chung: "Trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện kế hoạch 5 năm, 2005 – 2010, thực hiện đổi mới giáo dục đại học; thực hiện chủ trương tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, Đảng bộ lãnh đạo toàn trường phát huy tiềm năng hiện có, khai thác có hiệu quả nguồn lực của Nhà trường; mở thêm ngành nghề, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, hiện đại hóa cơ sở vật chất của nhà trường; mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thực hiện thành công chủ trương tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, tiếp tục xây dựng trường Đại học Ngoại thương thành một trường đào tạo đa ngành, một trung tâm chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đưa Đại học Ngoại thương trở thành một trường danh tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực và thế giới, có cơ sở vật chất, khuôn viên và quy mô ngày càng mở rộng; có đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cải thiện."

Giai đoạn 2005 - 2010, có thể nói là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện của trường Đại học Ngoại thương.

1. Công tác xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển

Công tác xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển được Nhà trường đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện trong giai đoạn 2005-2010. Quá trình xây dựng và điều chỉnh chiến lược của nhà trường được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ. Chiến lược phát triển trường ĐHNT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được xây dựng dựa trên các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo trong thời kỳ mới, các xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới cũng như năng lực và thế mạnh cốt lõi của trường Đại học Ngoại thương, thể hiện các bước đi, lộ trình thực hiện có tính khả thi cao.

Chiến lược xác định sứ mạng của trường Đại học Ngoại thương là đào tạo nhân tài và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, công nghệ và ngoại ngữ; sáng tạo và chuyển giao tri thức khoa học đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; phát triển năng lực học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên, rèn luyện kỹ năng làm việc và lối sống  trong môi trường quốc tế hiện đại. Trường còn là nơi phổ biến tri thức khoa học, nghề nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, là trung tâm giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Tầm nhìn phát triển của trường Đại học Ngoại thương là đến năm 2030 trường Đại học Ngoại thương trở thành đại học trọng điểm quốc gia, nằm trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu của khu vực, có lĩnh vực hoạt động đa dạng. Trường bao gồm các trường trực thuộc, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trường phổ thông chất lượng cao. Trụ sở chính của trường đặt tại Hà Nội. Mạng lưới các cơ sở đào tạo của trường đặt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước và ở nước ngoài.

Các văn bản quan trọng này đã được Nhà trường công bố và phổ biến rộng rãi, báo cáo lên Bộ Giáo dục và đào tạo, chuyển tới các bên hữu quan và toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên trong toàn trường.

2. Công tác tổ chức quản lý, điều hành Nhà trường

Nhà trường đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện và ngày càng phát triển cơ cấu tổ chức quản lý và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong điều hành, quản lý và triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo. Ban Giám hiệu giai đoạn này gồm các nhà giáo: GS, TS Hoàng Văn Châu là Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy. Các Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm bao gồm : PGS, TS Nguyễn Thị Quy, PGS, TS Nguyễn Văn Hồng, PGS, TS Vũ Sĩ Tuấn, PGS, TS Vũ Chí Lộc kiêm Giám đốc Cơ sở II tại thành phố HCM. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhân sự của Ban Giám Hiệu cũng có một số thay đổi: PGS, TS Vũ Chí Lộc thôi giữ chức Phó Hiệu trưởng để đảm nhiệm chức vụ  Chủ tịch Hội đồng trường từ năm 2008. PGS, TS Vũ Sĩ Tuấn – Phó Hiệu trưởng chuyển công tác sang cơ quan mới. PGS, TS Bùi Ngọc Sơn được đề nghị bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng và kiêm Giám đốc cơ sở II.

Tổ chức và hoạt động của trường Đại học Ngoại thương được thực hiện theo đúng các quy định của Luật Giáo dục và  Điều lệ Trường đại học. Hệ thống quản lý của Trường theo mô hình ba cấp: Trường - Khoa, Phòng, Trung tâm - Bộ môn, làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có phân cấp quản lý.

Năm 2007, Nhà trường đã thành lập Hội đồng trường theo Điều lệ trường đại học. Hội đồng trường bao gồm 15 thành viên (trong đó có 3 thành viên là người ngoài trường).

Trong giai đoạn này, để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nghề đào tạo và tiến tới môi trường hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại, ngoài các đơn vị chức năng đã có, nhà trường đã chủ động chia tách và thành lập các đơn vị mới. Trong thời gian 5 năm nhà trường đã chia tách và thành lập 8 Khoa, Bộ môn: Khoa Tiếng Nhật, Khoa Tiếng Trung, Khoa Tiếng Pháp, Khoa Tài chính Ngân hàng, Khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Khoa Tiếng Anh thương mại, Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Kinh tế Quốc tế;  8 Phòng, Ban chức năng : Phòng Quản trị Thiết bị, Phòng Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng, Ban Pháp chế, Khoa Đào tạo Quốc tế, Trung tâm nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương, Phòng Y tế, Phòng Truyền thông và Quan hệ đối ngoại; và nhiều trung tâm trực thuộc. Thêm vào đó, một số đơn vị trong trường được đổi tên để phù hợp hơn với chức năng và nhiệm vụ mới, như Phòng Quan hệ Quốc tế đổi tên thành Phòng Hợp tác Quốc tế (năm 2005);  Khoa Lý luận Mác Lê nin đổi tên thành Khoa Lý luận Chính trị (năm 2008); Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Tại chức đổi tên thành Khoa Đào tạo Tại chức (năm 2009).

Tại Cơ sở II, trong giai đoạn vừa qua, cơ cấu tổ chức cũng được hoàn thiện, phát triển lên một cấp độ mới từ lúc chỉ là một đơn vị không có các bộ phận chức năng và từ năm 2005 đã trở thành một cơ sở đào tạo tương đối hoàn chỉnh gồm có 7 ban chức năng và 5 bộ môn chuyên môn. Cơ sở II của trường Đại học Ngoại thương ngày càng khẳng định vững chắc vị thế của một cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn này, nhà trường đã tiếp nhận và thành lập một cơ sở mới tại Quảng Ninh vào năm 2009.

Đầu năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ nhiệm Ban Giám hiệu nhiệm kỳ 2010-2015 của nhà trường. Ban Giám Hiệu gồm có GS, TS Hoàng Văn Châu là Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy; Phó Hiệu trưởng gồm có PGS, TS Nguyễn Văn Hồng; PGS, TS Bùi Ngọc Sơn; TS Đào Thị Thu Giang và PGS, TS Nguyễn Đình Thọ.

Để tăng cường tính chuyên nghiệp trong mọi mặt công tác của nhà trường, trong giai đoạn, ngoài Quy chế về tổ chức và hoạt động, nhà trường đã soạn thảo và ban hành trên 20 quy định về quản lý, bao gồm:

Quy định về chiến lược phát triển trường Đại học Ngoại thương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quy định về tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc; Quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên; Quy định về đi nước ngoài đối với cán bộ, giảng viên; Quy chế làm việc; Quy định về nâng bậc lương, chế độ phụ cấp nâng lương vượt khung; Quy định về tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua của cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường Đại học Ngoại thương; Quy định về công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Quy định về đào tạo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học Ngoại thương; Quy định về quản lý và cấp chứng chỉ; Quy định về xây dựng ngân hàng đề thi, ra đề thi, tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính; Quy định quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản; Quy định tạm thời về chế độ đóng góp của các đơn vị trong trường từ việc mở các lớp học và cung cấp dịch vụ; Quy định về công tác quan hệ quốc tế; Quy định về cơ chế tự đảm bảo chất lượng; Quy định về công tác văn thư, lưu trữ; Quy chế đeo thẻ của cán bộ, giáo viên, sinh viên các loại hình đào tạo, học viên cao học và nghiên cứu sinh, Quy định về giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và văn minh học đường trong khuôn viên trường Đại học Ngoại thương; Quy định về trang phục tại trường Đại học Ngoại thương.

Các quy định trên đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành các mảng hoạt động của trường Đại học Ngoại thương theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tăng cường tính nhất quán, đồng tình, nhất trí triển khai thực hiện nhiệm vụ trong toàn thể cán bộ, giảng viên cũng như tới toàn thể sinh viên, học viên trong nhà trường.

Từ năm 2006, Nhà trường đã sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, Hệ thống phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý đào tạo làm công cụ chính trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động của Trường. Qua đó, các luồng thông tin quản trị được phân tích, tổng hợp cập nhật và kịp thời, từ đó tăng cường đáng kể hiệu lực quản lý cũng như tăng cường năng suất hiệu quả công việc, giảm chi phí tài chính,… và tạo dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành một hình ảnh mới về một trường đại học hàng đầu trong hệ thống các trường đại học Việt Nam đi đầu trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ cao. Việc trường Đại học Ngoại thương là 1 trong 3 trường đại học của Việt Nam, không phải là trường đại học trọng điểm quốc gia, được Ngân hàng Thế giới chấp thuận cấp tài trợ tham gia Dự án Giáo dục Đại học trong giai đoạn từ 2006 đến 2011 là một minh chứng tiêu biểu về hiệu quả hoạt động của nhà trường. Với tổng số vốn đầu tư của dự án là 6,6 triệu đô la, nhà trường đã trang bị được hệ thống công nghệ thông tin phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu online phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Trong hoạt động đào tạo, nhà trường đã triển khai Hệ thống đào tạo trực tuyến (e-learning) miễn phí áp dụng đối với các môn học chuyên ngành, có hàm lượng CNTT cao như môn học Thương mại điện tử, Tin học ứng dụng, Kế toán, Tài chính Ngân hàng .... Hệ thống đào tạo trực tuyến cho phép cung cấp bài giảng của các môn học, cho phép sinh viên tự lên kế hoạch học tập và trả bài, được chủ động về thời gian và không gian thông qua sử dụng hệ thống mạng Internet. Đến nay, hệ thống đào tạo trực tuyến của nhà trường đã có số lượng trên 4.500 thành viên đăng ký và tham gia thường xuyên.

3. Công tác phát triển đội ngũ

Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ được nhà trường đặc biệt quan tâm trong giai đoạn vừa qua.

Trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ của trường đã tăng lên trên 90% để đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể:

Bảng 1. Số lượng cán bộ, giảng viên trường giai đoạn 2005-2010

Năm

Số lượng

Tổng số cán bộ

% tăng lên

Giảng viên

Tỷ trọng

Cán bộ hành chính

2005

346

 

256

74%

90

2006

442

128%

332

75%

110

2007

468

106%

351

75%

117

2008

535

114%

390

73%

145

2009/10

668

120%

468

70%

200

Nguồn: Phòng Tổ chức Hành chính – trường Đại học Ngoại thương

Qua bảng 1, số lượng cán bộ giáo viên nhà trường không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn từ năm 2005-2010, nhà trường đã tuyển dụng thêm được trên 300 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Toàn thể đội ngũ giảng viên của nhà trường có khả năng sử dụng thành thạo máy vi tính để tra cứu, tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để soạn thảo bài giảng, xử lý số liệu minh chứng cho bài giảng, hay công tác quản lý.

Nhà trường luôn tạo điều kiện về thời gian và cơ hội cho tất cả cán bộ và giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, không ngừng đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn. Hàng năm, nhà trường cử hàng chục lượt cán bộ giảng viên đi học thạc sỹ, tiến sỹ trong nước và nước ngoài, hàng trăm lượt cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Chính nhờ những chính sách đúng đắn trong công tác đào tạo, phát triển đội ngũ, hiện nay trình độ đội ngũ cán bộ của nhà trường đã được nâng cao đáng kể.

4. Công tác đào tạo

Công tác đào tạo của nhà trường đã có bước phát triển vượt bậc. Quy mô đào tạo của Nhà trường liên tục tăng qua các năm.

Bảng 2. Quy mô các hệ đào tạo đại học và cao đẳng từ 2005-2010

Bậc đào tạo

2005-2006

2006-2007

2007-2008

2008-2009

2009-2010

Đại học chính quy

6.468

7.268

9.899

10.962

12.439

Cao đẳng

269

431

710

842

1039

Liên thông

436

675

620

540

655

Vừa học vừa làm

11.175

13.233

14.592

15.236

13.511

Sau đại học

114

160

200

311

460

Chương trình liên kết quốc tế

   

30

90

292

Tổng

18.462

21.767

26.051

27.670

28.396

  Nguồn: Phòng Quản lý Đào tạo, Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Tại chức - trường Đại học Ngoại thương

Nếu năm học 2005-2006 tổng quy mô đào tạo bậc đại học của trường là hơn 6.000 sinh viên thì đến năm học 2009-2010 quy mô đào tạo của Nhà trường trên 12.000 sinh viên, tăng gần 200 % so với năm học 2005-2006. Trong các kỳ tuyển sinh đại học từ năm học 2006 cho đến nay, trường Đại học Ngoại thương luôn có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào cao nhất cả nước. Năm học 2008 – 2009, trong số 43 thí sinh đạt điểm thi 30/30 của cả nước, trường Đại học Ngoại thương có tới 13 em đạt 30/30, chiếm tới 30%. Năm học 2009 – 2010, nhà trường có 5 trên 11 em của cả nước, 2010 – 2011 duy nhất chỉ có một em đạt điểm tuyệt đối 30/30 là sinh viên của nhà trường. Về đào tạo phi chính quy, đến năm 2010, tổng quy mô đào tạo các lớp tại chức, văn bằng 2 của Nhà trường là 13.511 sinh viên.

Quy mô đào tạo bậc sau đại học cũng tăng dần qua các năm. Năm 2005, tổng quy mô đào tạo sau đại học của Nhà trường là 121 học viên thì đến năm 2010 quy mô đào tạo của nhà trường đạt 431 học viên. Hiện nay, trường đã và đang đào tạo hơn 1400 sinh viên cao học và nghiên cứu sinh (trong đó 722 học viên cao học và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp) tại Hà Nội và Cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trường cũng đã đào tạo hơn 20 thạc sỹ cho các nước bạn.

Đặc biệt, năm 2009, Cơ sở Quảng Ninh của Nhà trường được thành lập trên cơ sở trường Trung học Nông lâm ngư do Tỉnh Quảng Ninh chuyển giao theo Quyết định số 2765/QĐ-UBND ngày 10-9-2009 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Sau một thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ giáo viên, Cơ sở Quảng Ninh, đã tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên hệ vừa học, vừa làm với  gần 100 sinh viên  cho 2 chuyên ngành kinh tế đối ngoại và quản trị kinh doanh quốc tế.

Nhà trường chủ trương đa dạng hóa ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 5 năm, trường Đại học Ngoại thương đã tiếp tục đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, phát triển các ngành đào tạo mới. Ở bậc đại học, từ năm 2005 đến năm 2010, đã mở thêm 8 chuyên ngành đào tạo mới trên cơ sở các ngành đào tạo truyền thống của trường. Tính đến năm 2010, Nhà trường đã thực hiện đào tạo 9 ngành với 17 chuyên ngành đào tạo đại học. Đối với đào tạo sau đại học, từ một chuyên ngành đào tạo duy nhất là Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế (ở cả cấp độ đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ), đến nay trường đã có 5 chuyên ngành đào tạo sau đại học.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người học, cùng với những biến đổi của thực tiễn, bên cạnh việc liên tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chương trình đào tạo đã có, nhà trường đã xây dựng và tuyển sinh các chương trình đào tạo mới như Thạc sỹ Tài chính ngân hàng, Thạc sỹ kinh tế Á- Âu, Thạc sỹ Quản trị tài chính (liên kết với đại học Bordeaux của Pháp), Tiến sỹ Quản trị kinh doanh, Tiến sỹ Thương mại…

Đặc biệt, ngoài các chuyên ngành đào tạo trên, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bắt đầu từ năm học 2005-2006, nhà trường đã phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao với những đặc điểm riêng có như giảng dạy bằng Tiếng Anh, có sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường tính thực tiễn và phương pháp học tập, giảng dạy của toàn bộ chương trình. Hiện tại, nhà trường đang triển khai 3 chương trình chất lượng cao về Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại và Tài chính Ngân hàng với tổng số sinh viên lên đến 300 sinh viên/năm. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm học 2007-2008, nhà trường đã liên kết với trường Đại học Colorado (Hoa kỳ) triển khai giảng dạy Chương trình Tiên tiến, và đã tuyển sinh từ năm học 2008-2009 với 80 sinh viên. Từ năm 2009, nhà trường bắt đầu triển khai Chương trình tiến tiến thứ hai có chuyên ngành đào tạo về Kinh doanh quốc tế với trường Đại học California State University, Fullerton.

Nhà trường cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện đổi mới giáo dục trong đào tạo ngoại ngữ. Nhà trường đã xây dựng được chuẩn đào tạo Tiếng Anh TOEIC cho các chuyên ngành không chuyên Tiếng Anh và xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm Tiếng Anh trên máy vi tính, điều này đã tạo một lợi thế cạnh tranh cho sinh viên ra trường trong quá trình tuyển dụng và thực tế làm việc. Việc tích hợp song song giữa chuẩn TOEIC với chuẩn tiếng Anh chuyên ngành của Trường là đặc điểm riêng có của trường Đại học Ngoại thương. Điều này làm cho chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được đảm bảo đồng thời tạo ra sự khác biệt với các trường đại học khác trong cả nước. Dự kiến trong thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai áp dụng chuẩn quốc tế cho các ngoại ngữ còn lại giảng dạy cho các chuyên ngành khác trong trường như tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung... Ngoài ra, hiện nay, nhà trường cũng đã xây dựng và công bố công khai các chuẩn đào tạo đầu ra của các ngành đào tạo của nhà trường ra cộng đồng và xã hội.

Về phương pháp giảng dạy, các giáo viên trong toàn trường đã không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng được thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp giảng dạy tích cực trong quá trình lên lớp, tăng lượng thông tin truyền đạt tới sinh viên. Các phương pháp giảng dạy, học tập thụ động, một chiều được thay thế tích cực bởi các phương pháp giảng dạy, học tập chủ động thông qua việc lấy sinh viên làm trọng tâm, tăng cường trao đổi hai chiều (đặt câu hỏi- trả lời câu hỏi) linh hoạt giữa giáo viên - sinh viên.

Từ năm 2005, nhà trường đã tiến hành chuẩn bị tiền đề cho việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo tín chỉ. Năm học 2007-2008, Nhà trường đã hoàn thiện các chương trình đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ bảo đảm tính mềm dẻo, linh hoạt và liên thông của phương thức đào tạo này. Năm học 2008-2009, Khóa 47 hệ Đại học chính quy của trường đã được giảng dạy và học tập theo tiến độ của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ.  Các mô hình và chương trình đào tạo mới này đã góp phần đáp ứng kịp thời các nhu cầu xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển quy mô đào tạo và nâng cao địa vị, danh tiếng, uy tín xã hội của Nhà trường.

Về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng, trong giai đoạn nhà trường đã coi trọng công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng. Từ năm 2005, nhà trường là một trong hai mươi trường đại học trong cả nước tiến hành tự đánh giá và tham gia đánh giá ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng do nhà trường thành lập là đơn vị chức năng triển khai các công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường, như triển khai chỉnh lý và biên soạn 88 quy trình hoạt động tại trường. Đây là cơ sở để đưa hoạt động của trường đi vào nề nếp theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho việc xây dựng hệ thống chất lượng ISO tại trường ĐHNT. Mục tiêu của nhà trường sẽ triển khai cải tiến liên tục và nâng cao chuẩn chất lượng của trường; xây dựng hệ thống thông tin phản hồi về hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tại trường ĐHNT thông qua việc nhận thư góp ý và ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ đào tạo tại trường. Hệ thống này hiện đang là cầu nối tin cậy giữa nhà trường với xã hội.

5. Công tác nghiên cứu khoa học

Số lượng đề tài khoa học tăng nhanh trong những năm qua. Các chương trình, đề tài hợp tác quốc tế cấp nhà nước của nhà trường được thực hiện trong 5 năm từ 2005 đến 2010 là 10; số lượng đề tài cấp bộ là 108; và rất nhiều đề tài cấp trường và của sinh viên dự thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, giai đoạn này trường Đại học Ngoại thương đã bắt đầu đàm phán, ký kết với các đối tác nước ngoài nhằm thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo Nghị định thư. Các đối tác của Đại học Ngoại thương bao gồm các trường ở Hàn Quốc, Nga, Pháp v.v. Nhiều hội thảo quốc tế đã được tổ chức tại Đại học Ngoại thương nhằm công bố kết quả của các đề tài nghiên cứu, mở rộng giao lưu quốc tế với sự tham gia của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau.

Song song với hoạt động nghiên cứu, hàng năm Nhà trường còn tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, hội thảo cấp trường và nhiều hội thảo khoa học của các Khoa; Xuất bản nhiều kỷ yếu hội nghị, hội thảo, xuất bản sách, tạp chí Kinh tế đối Ngoại và tổ chức các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, chọn lọc các đề tài xuất sắc gửi đi dự thi cấp Bộ và đã giành được nhiều giải thưởng. Các hoạt động của sinh viên sôi nổi với nhiều cuộc thi như Sinh viên năng động 6.0 với chủ đề thương mại điện tử, cuộc thi Sinh viên Marketing năng động, Xuất bản nội san Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Nói từ niềm đam mê, Diễn đàn đầu tư chứng khoán, Khởi nghiệp cùng Kawai ...

6. Công tác hợp tác quốc tế và dự án

Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) của trường được tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, nhiều dự án HTQT đã được khai thác để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy, đổi mới nội dung và phát triển chương trình giảng dạy, phù hợp quá trình hội nhập đào tạo đại học với các nước trong khu vực và thế giới. Nhờ đó, trong giai đoạn qua, uy tín của trường trước các đối tác quốc tế đã được nâng cao đáng kể, cơ hội hợp tác đào tạo, NCKH với các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo ở trên thế giới và trong khu vực ngày càng tăng.

Bắt đầu từ năm 2005, số lượng đối tác đến từ Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ tăng nhanh chóng. Đến nay, các đối tác của trường chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong giai đoạn này, trường Đại học Ngoại thương đã vinh dự đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm trường như Thư ký Ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng của Anh Quốc, Bộ trưởng Bộ chiến lược của Nhật Bản...

Về mặt số lượng, nếu lấy số lượng biên bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác với các trường, các tổ chức nước ngoài làm thước đo cho sự mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế của Đại học Ngoại thương thì có thể thấy hoạt động hợp tác quốc tế đã phát triển rất nhanh. Nếu trong giai đoạn 2000-2004, mỗi năm trường chỉ ký kết được từ 1 đến 3 biên bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác, thì bắt đầu từ năm 2005 số lượng biên bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác quốc tế bắt đầu tăng mạnh. Đến năm 2010, nhà trường đã có 121 thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn, có uy tín trên thế giới.

Trên cơ sở mạng lưới hợp tác quốc tế được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu này, Đại học Ngoại thương đã tận dụng các cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực bao gồm trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, liên kết nghiên cứu, liên kết đào tạo. Cụ thể, đến năm 2010 nhà trường có gần 30 chương trình liên kết đào tạo có yếu tố quốc tế. Các chương trình kiên kết đào tạo tiêu biểu của trường có thể kể đến là:

- Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ Luật kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng tiếng Pháp hợp tác với Trường đại học Tổng hợp Francois Rebelais Tours;

- Chương trình Thạc sỹ Kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng Tiếng Anh, liên kết với Trường đại học Latrobe (Úc);

- Chương trình Thạc sỹ Quản trị dự án hợp tác với trường Đại học Nantes (Pháp);

- Chương trình Thạc sỹ Kinh tế Á – Âu hợp tác với Đại học Rennes 2;

- Chương trình liên kết đào tạo cử nhân và thạc sỹ liên kết với Đại học Bedfordshire (Anh Quốc);

- Chương trình tiên tiến ngành Kinh tế quốc tế phối hợp với trường Đại học Colorado (Hoa kỳ);

- Chương trình tiên tiến Quản trị Kinh doanh quốc tế phối hợp với trường Đại học California State Fullerton (Hoa Kỳ);

- Chương trình MBA về logistics với trường Kinh doanh Nauy;

- Chương trình hợp tác đào tạo cử nhân 1,5 + 3 với trường Đại học Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản);

- Chương trình đào tạo cử nhân quản lý tài chính và dịch vụ với trường Đại học Niels Brock Copenhagen Business College (Đan Mạch).

Bên cạnh đó, số lượng lưu học sinh nước ngoài đăng ký học tại Đại học Ngoại thương cũng ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Đến nay đã có 700 lượt sinh viên nước ngoài đến từ Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Pháp, Mông Cổ, Đức, v.v.

7. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, khuôn viên và hệ thống thông tin, thư viện

Giai đoạn vừa qua, toàn thể lãnh đạo và các cán bộ giảng viên trường Đại học Ngoại thương đã và đang cố gắng không ngừng để xây dựng trường trở thành một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học khang trang, gồm các khu giảng đường, khu làm việc cao tầng, khu ký túc xá, khu thể thao, sân vận động … với nhiều trang thiết bị hiện đại. Nhà trường có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, môi trường văn minh, chuyên nghiệp.

Trong giai đoạn này, tại Cơ sở I, nhà trường đã xây dựng nhà ăn 2 tầng khang trang, sạch đẹp và đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho toàn thể các sinh viên và cán bộ giảng viên trong trường. Đặc biệt, năm 2009, nhà trường đã xây mới và đưa vào sử dụng Tòa nhà đa năng 12 tầng trong khuôn viên trường với diện tích 10.800m2. Tòa nhà đa năng đã giải quyết một phần lớn tình trạng thiếu phòng học, nâng cấp phòng làm việc, quy hoạch một cách hợp lý giảng đường cũng như phòng làm việc, đặc biệt giúp Nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo.

Tại Cơ sở II, nhà trường hoàn tất và đưa vào sử dụng các phòng học giảng đường mới từ năm 2007, chấm dứt tình trạng đi thuê giảng đường khi đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, nhà trường đã tiếp nhận thêm một cơ sở tại Quảng Ninh để mở rộng địa bàn hoạt động của trường.

Không chỉ vậy, trường luôn chú trọng đầu tư cho hoạt động thông tin và thư viện. Từ 2005 đến nay, ngoài việc thường xuyên được bổ sung các tài liệu in, Thư viện liên tục được đầu tư các tài liệu điện tử. Hiện tại, thư viện đã có một vốn tài liệu khá đa dạng, phong phú phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu của trường. Thư viện đã ứng dụng CNTT trong các hoạt động tác nghiệp của thư viện và phục vụ tra cứu thông tin cho bạn đọc. Việc xử lý tài liệu được áp dụng theo đúng chuẩn nghiệp vụ quốc tế. Việc quản lý bạn đọc và quản lý lưu thông tài liệu được thực hiện bằng phần mềm Thư viện điện tử và hệ thống mã vạch. Do đổi mới phương thức hoạt động nên hiệu quả công tác phục vụ thông tin - tư liệu tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây trung bình một ngày thư viện phục vụ được 100 - 200 lượt bạn đọc thì hiện nay trung bình một ngày thư viện phục vụ từ 300 - 400 lượt bạn đọc.

8. Công tác Đảng

Đại hội Đảng bộ trường ĐHNT lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2005-2010, được tiến hành vào tháng 7/2005. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 7 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Châu được bầu là bí thư Đảng ủy. Liên tục trong nhiều năm liền, Đảng bộ Nhà trường luôn đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” và năm 2007, 2008 đã đạt được danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” và được tặng giấy khen. Số lượng đảng viên của Đảng tăng lên mạnh mẽ trong những năm qua. Nếu năm 2005, chỉ có 115 Đảng viên thì đến nay toàn Đảng bộ đã có 245 Đảng viên sinh hoạt trong 19 chi bộ. Từ năm 2008, Đảng bộ Nhà trường đã được ủy quyền xét kết nạp Đảng viên và kỷ luật Đảng viên đến mức khai trừ. Đó là những minh chứng thể hiện sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ nhà trường.

Đại hội Đảng lần thứ XX của nhà trường đã được tổ chức thành công tốt đẹp vào tháng 5/2010 với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới hướng tới trường đại học xuất sắc”. Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển là "quyết tâm xây dựng trường Đại học Ngoại thương thành một trường đại học có danh tiếng trên thế giới, theo hướng nghiên cứu, làm nền tảng để trở thành một trường đại học xuất sắc vào năm 2020; Nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với kiểm định chất lượng; Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Tiếp tục mở rộng khuôn viên và các cơ sở tại các địa phương khác nhau; Tăng nguồn thu để hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao đời sống của cán bộ, giảng viên trong trường".Đại hội đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nọi về dự và chỉ đạo đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Châu tiếp tục được bầu giữ chức danh Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đã nêu rõ mục tiêu cần đạt được trong kế hoạch 5 năm từ 2010 đến 2015, cụ thể:

- Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế tự chủ. Trên cơ sở đó xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền Đề án xây dựng trường đại học xuất sắc;

- Tăng cường năng lực và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; Phấn đấu tăng số lượng bài báo quốc tế gấp đôi; Trung bình mỗi giảng viên dành tối thiểu 30% thời gian làm việc cho hoạt động nghiên cứu;

- Mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, phấn đấu đến năm 2015 quy mô đào tạo sau đại học tăng gấp đôi;

- Đối với đào tạo đại học, trong 3 năm tới về cơ bản, giữ vững quy mô như hiện nay. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với thực tiễn và kiểm định chất lượng: 100% các môn học chuyên ngành có sự tham gia của chuyên gia thực hành; Nghiên cứu kiểm định một số chương trình đào tạo chất lượng cao và tham gia các tổ chức kiểm định khu vực;

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển mạnh mẽ các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến và chương trình liên kết với nước ngoài. Nghiên cứu, triển khai hoạt động liên doanh, liên kết, thành lập các cơ sở đào tạo mới;

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến năm 2015, 100% giảng viên có bằng thạc sỹ và ít nhất 25% giảng viên có bằng tiến sỹ;

- Hiện đại hoá các mặt công tác của nhà trường; cải tiến thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ của khối cán bộ hành chính;

- Mở rộng khuôn viên ở Hưng Yên, ở các tỉnh phía Nam và một số nơi khác khi có điều kiện; Hoàn tất việc chuyển giao và nâng cấp cơ sở vật chất ở cơ sở Quảng Ninh;

- Khai thác tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài trường nhằm cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao đời sống của cán bộ, giảng viên, đảm bảo lương và thu nhập của cán bộ, giảng viên tăng gấp đôi vào năm 2015;

- Phát triển văn hóa Đại học Ngoại thương, tăng cường công tác cựu sinh viên và quan hệ cộng đồng.

9. Công tác Công đoàn

Công đoàn đã phối hợp cùng với Ban giám hiệu, các Phòng, các Khoa, Bộ môn của Nhà trường thực hiện tốt Quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức hàng năm; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống cả về vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên trong toàn trường. Tổ chức vận động tất cả các cán bộ, giáo viên trong toàn trường tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Các hoạt động của Công đoàn đã ngày càng đa dạng và phong phú. Bên cạnh việc tham gia tích cực vào công tác chuyên môn như tổ chức các hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá trong nhà trường, các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về công tác công đoàn...Công đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, các chương trình giao lưu, nghỉ mát trong và ngoài nước cho cán bộ công đoàn viên, tổ chức các hoạt động cho các cháu thiếu nhi nhân dịp ngày 1-6 hay tết trung thu...Đời sống cán bộ, giáo viên ngày một cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Các công đoàn viên luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện như: quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu vùng xa, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ đồng bào bị vùng thiên tai...

Công đoàn trường đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào mọi mặt hoạt động của nhà trường. Công đoàn trường đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động Hà Nội... cho các cá nhân và tập thể, Công đoàn trường đã vinh dự được Nhà nước trao tặng hai Huân chương Lao động hạng Ba (2000) và hạng Nhì (2005).

10. Công tác Đoàn Thanh niên

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường đã phát huy tối đa vai trò xung kích, tiên phong trong công tác và học tập, đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên; phát động phong trào sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện và phấn đấu vì ngày mai lập nghiệp; tham gia tích cực các hoạt động phong trào và hoạt động do Đoàn TNCS HCM, Hội sinh viên và liên hiệp thanh niên các cấp tổ chức.

Trong 5 năm liền của giai đoạn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn là một trong 5 đoàn trường dẫn đầu trong toàn quốc. Hàng năm Đoàn trường đều vinh dự nhận cờ thi đua luân lưu của cơ quan cấp trên trao tặng. Hiện tại, Đoàn trường quản lý trên 25 Câu lạc bộ của sinh viên và gần 300 chi đoàn trực thuộc.

Ghi nhận các thành tích mà trường Đại học Ngoại thương  đã đạt được, trong giai đoạn này, Nhà trường đã nhận được được nhiều bằng khen và các danh hiệu cao quý do Nhà nước tặng như:

- Huân chương Độc lập hạng Nhì (Quyết định số 1004/2005/QĐ-CTN ngày 5/9/2005 của Chủ tịch nước CHXHCNVN);

- Cờ thi đua của Chính phủ năm học 2007 – 2008;

- Bằng khen của Chính phủ năm học 2007 – 2008;

- Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ năm học 2008 – 2009;

- Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2010.