Sidebar

Magazine menu

08
Wed, Jan

Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng: Việc phải làm hay nên làm?

THÔNG BÁO

Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng nhất của các cơ sở đào tạo đại học và việc phấn đấu nâng cao chất lượng bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào, trong đó có Trường Đại học Ngoại thương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động của nhà trường và thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh nhà trường thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Ban Giám hiệu đã xác định tự đánh giá và đăng ký kiểm định chất lượng theo 10 tiêu chuẩn (61 tiêu chí) do Bộ GDĐT ban hành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2016-2017.

Tháng 11, hòa chung không khí kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, toàn trường tích cực chuẩn bị cho đợt khảo sát chính thức phục vụ kiểm định chất lượng nhà trường diễn ra từ 23-30/11/2016 tại Trụ sở Hà Nội, Cơ sở Quảng Ninh và Cơ sở II Tp.HCM. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhận thức chung về hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng trong toàn trường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tích cực tham gia có, phối hợp thực hiện có nhưng đâu đó, tâm lý ngại cải tiến, ngại thay đổi và “phải làm việc kiểm định” cũng dần xuất hiện. Vậy, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng là việc “phải làm” hay “nên làm”?

Kiểm định chất lượng, trước hết, là việc phải làm bởi lẽ đây là hoạt động “bắt buộc, định kỳ” (Điều 49 Luật Giáo dục đại học). Trách nhiệm của nhà trường là tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; duy trì và phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; phòng học, phòng làm việc, thư viện, hệ thống thông tin, phòng thí nghiệm và nguồn lực tài chính) và định kỳ đăng ký kiểm định chất lượng (Điều 50 Luật Giáo dục đại học).

Tuy nhiên, vượt lên trên “sự bắt buộc, định kỳ” của luật định, kiểm định chất lượng là việc nên làm và làm “kiểm định” là làm cho chính mỗi cán bộ, giảng viên và người học; cho chính mỗi đơn vị và cho chính Trường Đại học Ngoại thương.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường đã từng nhấn mạnh rằng: 'Chất lượng là sự hành động của cả tổ chức, trong đó sự tích cực, năng động và nhiệt tình của mỗi cá nhân là điều cốt lõi. Không thể có hoạt động đảm bảo chất lượng khi mọi người trong tổ chức không hiểu và không cùng tham gia vào các hoạt động đảm bảo chất lượng. Đảm bảo chất lượng phải là vấn đề quan tâm và thực hiện nghiêm túc, tự giác của tất cả thành viên trong nhà trường. Đảm bảo chất lượng chỉ có thể thực hiện khi từng người, từng đơn vị trong trường hiểu rõ, quan tâm và có trách nhiệm đối với chất lượng; phối hợp với nhau nhịp nhàng, thống nhất nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người học (nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên) và thật sự vì người học”.

Vì thế, tất lẽ, điều gì vừa có lợi cho chính mình, có lợi cho người học và có lợi cho tập thể thì đều là điều nên làm. Mỗi sự chuẩn bị trước khi lên lớp của giảng viên (đề cương chi tiết, học liệu, bài giảng....), mỗi giờ giảng (phương pháp sự phạm, cách thức truyền thụ kiến thức; đổi mới, sáng tạo và lấy người học làm trung tâm...) và mỗi phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học chính là trách nhiệm, là việc giảng viên nên làm.

Bản thân chất lượng không thể tự đảm bảo được chính nó mà phải thông qua từng hoạt động đơn lẻ đến các hoạt động tập thể, thống nhất, đồng bộ. Mỗi một hoạt động của nhà trường đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hoạt động đào tạo không thể tách rời đội ngũ cán bộ, viên chức, hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học hay phòng ốc, trang thiết bị phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học.

Trở lại câu hỏi trên, rõ ràng, với mỗi cơ sở giáo dục đại học, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục đại học thì kiểm định chất lượng chính là việc nên làm thay vì suy nghĩ đó là việc phải làm. Thành công trong đảm bảo và kiểm định chất lượng chỉ đến khi toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường chủ động, ý thức sâu sắc tầm quan trọng của chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Nguồn: TS Võ Sỹ Mạnh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng