Ngày 24/6/2024, Chương trình WTO Chairs (WCP) đã tổ chức Hội nghị thường niên với các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới cùng thảo luận về vai trò của thương mại trong việc giảm bất bình đẳng và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong mạng lưới các cơ sở học thuật tại tại Geneva (Thuỵ Sĩ). TS Vũ Kim Ngân - Phó Giám đốc Chương trình WTO Chair (Co-Chairholder) tại Trường ĐH Ngoại thương đã tham gia và chia sẻ tại Hội nghị thường niên này.
Tại Hội nghị, TS Vũ Kim Ngân đã có phần trình bày trong phiên thảo luận về các nội dung chính của Báo cáo Thương mại Thế giới 2024. Phiên thảo luận có sự tham gia của Giám đốc và các chuyên gia thuộc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê (ESRD) của WTO. Nội dung trình bày của TS Vũ Kim Ngân tập trung vào các vấn đề liên quan đến thương mại và biến đổi khí hậu, cũng như nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của thương mại trong việc thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên 2024, TS Vũ Kim Ngân đã tham gia phiên họp dành riêng cho các Chương trình Chairs của châu Á để cùng thảo luận về phương hướng hợp tác và phát triển hoạt động giữa các nước trong khu vực đối với cả ba trụ cột: Nghiên cứu, Phát triển chương trình đào tạo và Hoạt động đối ngoại, tổ chức sự kiện. Đại diện của Chương trình WTO Chair tại trường ĐH Ngoại thương cũng tham gia các phiên thảo luận để trao đổi kinh nghiệm với các Chương trình Chairs khác của WTO về việc tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai các hoạt động năm 2024, đồng thời lập kế hoạch dự kiến các hoạt động của Chương trình WTO Chair trong năm 2025.
Được thành lập từ năm 2010, Chương trình WTO Chairs (WCP) đã chứng tỏ là một công cụ mạnh mẽ và thiết thực trong việc phát triển cộng đồng học thuật và nghiên cứu, góp phần vào việc định hình chính sách ở cả Geneva và trong các nền kinh tế của các quốc gia thành viên hướng đến mục tiêu làm cho hệ thống thương mại trở nên hòa nhập và hiệu quả hơn. Trong suốt thời gian qua, mạng lưới Chairs đã chứng tỏ sự hiệu quả của mình thông qua các chương trình hợp tác giữa các Chairs của Châu Á trong các vấn đề về trợ cấp nghề cá, hợp tác giữa các Chairs châu Phi về thương mại số, cho đến thảo luận về cải cách WTO của các Chairs châu Mỹ Latinh và Caribe. Chương trình hết sức phong phú của hội nghị lần này là minh chứng cho sự sống động và hiệu quả của mạng lưới.
Trong chuyến công tác này, TS Vũ Kim Ngân cũng đã có cuộc gặp với Đại sứ Mai Phan Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ - đối tác đã ký Thỏa thuận hợp tác với Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương, để cùng thảo luận về định hướng hợp tác và hỗ trợ trong thời gian tới.
Trường ĐH Ngoại thương là cơ sở giáo dục duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia Chương trình WTO Chairs giai đoạn 3 từ năm 2022-2026. Trong thời gian vừa qua, Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương đã có những đóng góp đáng kể vào việc lan toả tri thức và tư vấn chính sách về thương mại thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn thương mại quốc tế, các khoá đào tạo và các sự kiện hợp tác với đối tác trong và ngoài nước như Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thuỵ Sỹ; Viện Thương mại thế giới (WTI), Thuỵ Sỹ; Trường Đại học Tours, Pháp; Trường Đại học Laval, Canada; Trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU); Trung tâm WTO thuộc VCCI; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), …