Sidebar

Magazine menu

08
Wed, Jan

Buổi chia sẻ, đánh giá giữa hai giai đoạn đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng

Tin tức khác

Trải qua một nửa chặng đường triển khai Đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức Trợ giảng, ngày 11/04/2023, các viên chức Trợ giảng Nhà trường đã cùng tham gia “Buổi chia sẻ, đánh giá giữa hai giai đoạn Đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng” để nhìn nhận lại những trải nghiệm trên hành trình hơn một năm làm Trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương.

 

Với mục tiêu nâng bước thế hệ Giảng viên tương lai của Nhà trường, Trường ĐH Ngoại thương đã triển khai Đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức Trợ giảng từ năm 2021. Đề án là cơ hội để các bạn Trợ giảng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cá nhân và tham gia các hoạt động Nhóm Mentoring, bao gồm Chuyên đề Nghiên cứu khoa học, Dự án Đổi mới sáng tạo, và cơ hội Luân chuyển nội bộ/Thực tập tại các Doanh nghiệp và nhiều hoạt động khác.

Tại buổi chia sẻ, các Trợ giảng - giảng viên tương lai của Nhà trường đã được PGS, TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự truyền cảm hứng về niềm hạnh phúc và những giá trị tinh thần vô giá trong trải nghiệm làm nghề giáo. PGS, TS Nguyễn Minh Hằng chia sẻ, trên quãng đường trưởng thành trong nghề giáo, tài sản trân quý nhất của cô là những nét bút chữa bài của Giảng viên hướng dẫn - GS, TS Nguyễn Thị Mơ – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trên bản thảo giáo án và trên bài viết nghiên cứu đầu đời. Từ tâm niệm rằng sự dẫn dắt của thế hệ giảng viên đi trước là nền móng vững chãi cho sự phát triển của thế hệ giảng viên sau này, các thầy cô Lãnh đạo Nhà trường đã xây dựng nên Đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với Viên chức Trợ giảng để các Trợ giảng trẻ có cơ hội được học hỏi nhiều hơn từ các thầy cô giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết đối với sự nghiệp trồng người, tạo cơ hội cho các viên chức Trợ giảng của Nhà trường phát triển để trở thành thế hệ kế cận, tiếp bước, dựng xây nên Trường ĐH Ngoại thương của tương lai.

Trong buổi chia sẻ, các Trợ giảng của Nhà trường đã cùng tham gia hoạt động “Balo – Thùng rác – Máy giặt” để nhìn lại hành trình một năm rưỡi đã qua khi thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cá nhân và tham gia các hoạt động Mentoring. Đối với hoạt động “Mở Balo” nhằm nhìn lại hành trang của những trải nghiệm đã thu nhặt được từ khi bắt đầu tham gia Đề án cho tới nay, bạn Đặng Hồng Anh – Trợ giảng Khoa Tiếng Pháp đã chia sẻ, “Khi viết ra những điều mình đã hoàn thành được trong vai trò một Trợ giảng, em nhận ra mình đã làm được nhiều hơn những gì mình nghĩ và cảm thấy trân trọng hơn hành trình vừa qua”. Đồng thời, Hồng Anh cũng nhận thấy trong quá trình công tác tại trường, mình đã học được tư duy và cách phản ứng tích cực hơn với những sự việc bất ngờ xảy đến. Từ hoạt động “Mở Balo”, các thành viên tham gia Đề án đã có cơ hội được học hỏi, trao đổi cách xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cá nhân và có thêm động lực để nỗ lực hơn nữa trên hành trình phát triển bản thân. Trong các hoạt động “Thùng rác” và “Máy giặt”, các Trợ giảng của Nhà trường đã lần lượt nêu lên những thói quen xấu mình muốn từ bỏ và bày tỏ mong muốn thay đổi tư duy và hành động để phát triển trong tác phong và nghiệp vụ sư phạm.

Hoạt động thứ ba trong buổi chia sẻ - “Ý tưởng này là của chúng mình” mang đến cơ hội để các Trợ giảng được tự tay viết ra những ý tưởng mang tính xây dựng để cải tiến Đề án nói riêng và các hoạt động trong trường nói chung. Trong các ý tưởng về hoạt động chuyên môn, hầu hết các Trợ giảng đều có mong muốn được tổ chức thêm các buổi sinh hoạt giao lưu, có thêm các hoạt động đào tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, các Trợ giảng cũng đề xuất, trong các hoạt động truyền thông và giao lưu tương lai của Đề án, các Trợ giảng có thể trực tiếp làm người đứng ra tổ chức hoạt động với sự tham vấn của Ban triển khai Đề án. Đồng thời các hoạt động giao lưu như “Truy tìm kho báu” và bữa trưa thân mật cũng đã giúp gắn kết các Trợ giảng với những người bạn đồng hành với mình trong sự nghiệp trồng người sau này.

Đồng thời các hoạt động giao lưu như “Truy tìm kho báu” và bữa trưa thân mật cũng đã giúp gắn kết các Trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương, giúp các bạn hiểu nhau hơn và gắn bó và yêu thương những người bạn đồng hành với mình trong sự nghiệp trồng người sau này.

“Chương trình chia sẻ, đánh giá giữa hai giai đoạn Đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với Trợ giảng” đã giúp các trợ giảng hiểu hơn về mục tiêu của Đề án và cảm nhận sâu sắc hơn sứ mệnh của bản thân khi mang trên vai tâm nguyện của thế hệ giảng viên đi trước. Đồng thời, các hoạt động đánh giá đã cho thấy vai trò mạnh mẽ của Đề án trong việc phát triển, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sáng tạo, các kỹ năng cần thiết cho một giảng viên. Đề án cũng trao cho thế hệ Giảng viên tương lai những tài sản quý giá trong hành trình phát triển sự nghiệp giảng viên – đó là sự dẫn dắt của thầy cô Giảng viên thế hệ trước và các mối liên kết, gắn bó với đồng nghiệp cùng trang lứa. Quá trình tham gia Đề án đã qua cũng giúp các Trợ giảng thêm trân trọng những nỗ lực của bản thân, nhìn nhận rõ những điểm chưa tốt để vượt qua và cải thiện.

Chương trình thực sự đã trở thành cầu nối giữa hai giai đoạn của Đề án, là một trạm nghỉ chân để các thành viên của Đề án có cơ hội nhìn lại hành trang của mình, nhận ra những điều quý giá đã tích lũy được và thay đổi để tiến bộ và tiếp tục lên đường, hướng tới những thành quả rực rỡ hơn trong giai đoạn tiếp theo.