Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Giới thiệu về chương trình tiên tiến - chất lượng cao Quản trị Kinh doanh quốc tế

Đào tạo Đại học hệ chính quy

Trở thành sinh viên ĐHNT đã là một niềm tự hào của bất kỳ cô cậu học trò nào. Tuy vậy, khi chuẩn bị bước chân vào cánh cổng FTU, chúng ta lại ngơ ngác với những câu hỏi, thắc mắc về những chương trình học “đẳng cấp”, “ chất” nhất của trường ĐHNT.

Vậy Chương trình tiên tiến và Chương trình chất lượng cao thực chất là gì, chúng có gì khác với chương trình tiêu chuẩn của ĐHNT, tại sao chúng ta lại sẵn sàng bỏ ra một số tiền học phí lớn gấp 8 lần thông thường để trở thành thành viên của Chương trình tiên tiến hay những chương trình này khác gì với chương trình liên kết vẫn rầm rộ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông? Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin tổng quát và dễ hiểu nhất về các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của trường ĐHNT và đặc biệt các chương trình về Quản trị kinh doanh quốc tế.

Hiểu một cách đơn giản, chương trình Chất lượng cao (CLC) là chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi những giảng viên có nhiều kinh nghiệm của FTU. Trong khi đó,Chương trình tiên tiến (CTTT) là chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh theo chuẩn của trường đối tác nước ngoài bởi các giáo sư uy tín của trường đối tác cũng như của FTU. Chương trình tiên tiến có sự hỗ trợ Ngân sách Nhà nước và phải tuân thủ các quy định riêng do Bộ Giáo dục đào tạo yêu cầu.

Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) hiện nay có tổng cộng 04 chương trình CLC (Quản trị kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Tài chính và ngân hàng quốc tế và Kinh tế quốc tế) và 02 CTTT (Quản trị kinh doanh quốc tế và Kinh tế đối ngoại). Trong đó CLC QTKDQT là chương trình đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh tại ĐHNT, còn CTTT QTKDQT là chương trình đào tạo về kinh doanh với cơ hội chuyển tiếp và nhận bằng quốc tế theo chương trình 3+1 rộng mở nhất hiện nay. 

CTTT QTKDQT hợp tác giữa Đại học Ngoại thương và Đại học Tổng hợp bang California Fullerton (CSUF) - trường đứng thứ 8 trong TOP các trường đại học công lập miền Tây Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo được nhập khẩu từ CSUF đạt chuẩn AACSB (Associate to Advance Collegiate Schools of Business) với mức học phí ưu đãi, được sự hỗ trợ của trường Đại học Ngoại thương. Trường kinh tế và kinh doanh Mihaylo thuộc CSUF cũng là trường kinh doanh lớn nhất bang California và 7 năm liên tục lọt vào danh sách những trường kinh doanh tốt nhất Hoa Kỳ do Princeton Review 2013 bình chọn.

Sinh viên CTTT có thể chuyển tiếp tín chỉ tại CSUF để nhận bằng cử nhân Quản trị kinh doanh của Hoa Kỳ chuyên sâu về tài chính, marketing, kế toán hoặc khởi sự doanh nghiệp... tại CSUF, hoặc tại các đại học nước ngoài khác như Đại học Minot State University (Hoa Kỳ), Charleston College (Hoa Kỳ), Đại học Grifith (Australia), Đại học FHNW - University of Applied Sciences Northwestern Switzerland (Thụy Sỹ)... Sinh viên cũng có cơ hội theo học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Bang California, Fullerton, Hoa Kỳ mà không cần giai đoạn chuyển tiếp. Sinh viên CTTT học 4 năm tại Việt Nam sẽ được cấp bằng tốt nghiệp của FTU kèm chứng chỉ của CSUF. Sinh viên chuyển tiếp sang CSUF theo chương trình 3+1 (3 năm tại FTU, 1 năm tại CSUF) sẽ được cấp 2 bằng tốt nghiệp của FTU và CSUF.

Mặt khác, nếu chuyển tiếp tại Đại học bang California Fullerton, điều kiện sinh hoạt thuận lợi, khí hậu ôn hòa và cơ hội đi du lịch khắp các danh thắng thuộc miền Tây Hoa Kỳ cũng là một điểm hấp dẫn các bạn sinh viên tham gia chương trình.

Về cơ bản, chương trình đào tạo của CLC QTKDQT đã được điều chỉnh và cập nhật dựa trên CTTT QTKDQT, vì vậy, hầu hết các môn học đều tương đồng với CTTT QTKDQT. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có những cơ hội chuyển tiếp 3+1 không khác gì sinh viên CTTT. Mặt khác, chương trình đào tạo CLC cũng liên tục được cập nhật trên cơ sở tham khảo chương trình chuyên ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như: Trường Đại học Tổng hợp bang California Fullerton (Mỹ), Trường Đại học Bang Ohio (Mỹ), Trường Đại học bang Washington (Mỹ), Trường Đại học Leeds (Anh)… Tuy vậy, số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy cho CLC sẽ không nhiều như CTTT.

Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo về quản trị kinh doanh quốc tế của cả CTTT và CLC là các môn học không chỉ chú trọng cung cấp kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực trong kinh doanh (tài chính, kế toán, sản xuất, nhân sự, chiến lược, marketing..) mà còn tập trung rèn luyện kỹ năng trong kinh doanh cho sinh viên. Cả 2 chương trình cũng đặc biệt chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, tham quan, khảo sát doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng mềm và cập nhật kiến thức thực tiễn trong kinh doanh cho sinh viên.

Khoa QTKD duy trì quy mô các lớp học CTTT và CLC tối đa là 40 sinh viên/lớp để có thể nắm bắt và giúp đỡ từng sinh viên trong quá trình học tập. Cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp học tiên tiến (thuyết trình, lập dự án, khảo sát doanh nghiệp...) và các hoạt động ngoại khoá (dạ hội, hội thảo với doanh nghiệp, toạ đàm với doanh nhân thành đạt…) dành riêng cho sinh viên QTKD cũng là những điểm nổi trội của hai chương trình. Ngoài ra một số sự kiện tầm cỡ tổ chức ở ĐH Ngoại thương thì sv CTTT luôn nằm trong diện đối tượng ưu tiên được tham gia (gặp gỡ Ngoại trưởng Hoa Kì Hillary Clinton, giáo sư đạt giải Nobel Kinh tế học 2007 Roger B. Myerson …)