Sidebar

Magazine menu

08
Wed, Jan

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa trường ĐHNT và các đối tác phát triển

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 23/12/2017, trường ĐHNT đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với với 4 đối tác phát triển: Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển (DEPOCEN), Công ty cổ phần CSCI Đông Dương (CSCI Indochina Group), Tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica (Topica Group), Đề án Việt Nam Silicon Valley (VSV).

Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác với sự chứng kiến của đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo và nhiều cơ quan, tổ chức khác đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Trường Đại học Ngoại thương. Tham dự buổi lễ có đại diện các công ty, tổ chức đối tác: Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CSCI Indochina, Ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Depocen, Ông Nguyễn Quang Thuật: Phó chủ tịch HĐQT Topica Edtech Group, Ông Dương Hữu Quang: Phó tổng giám đốc Topica Edtech Group, Bà Thạch Lê Anh – Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley, Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Giám đốc điều hành VSV. Về phía Nhà trường có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng cùng các Thầy Cô giáo là lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường.

Là một trong những trường đại học đầu tiên được thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ, năm 2017 là năm kết thúc giai đoạn thí điểm tự chủ của trường ĐHNT. Phát biểu tại buổi lễ ký kết, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định, trong thời gian thí điểm Nhà trường đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra yêu cầu Nhà trường cần phải phát triển toàn diện và có những bước đột phá trong tương lai. Định hướng phát triển chiến lược của Nhà trường đến năm 2030 là trở thành một cơ sở giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động trên phạm vi trong nước và quốc tế trên cả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trường ĐHNT luôn coi việc kết nối và hợp tác cùng các đối tác uy tín là chìa khóa cho sự phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển của một trong những thương hiệu giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của cả nước.

Đó cũng chính là lý do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), là một tổ chức nghiên cứu độc lập, uy tín hàng đầu Việt Nam được thành lập năm 2005. Với uy tín, nguồn lực và thế mạnh của mỗi bên, mô hình hợp tác công – tư giữa Trường Đại học Ngoại thương và DEPOCEN hướng tới mục tiêu thành lập Trung tâm nghiên cứu độc lập đặt tại trường ĐHNT.

Công ty cổ phần CSCI Đông Dương là một công ty hoạt động trên 4 lĩnh vực chính: Tư vấn, chiến lược, truyền thông, đầu tư. Với thế mạnh là đội ngũ giảng viên trẻ, năng động, sáng tạo, có chuyên môn tốt và được đào tạo, tu nghiệp ở nước ngoài, hợp tác toàn diện giữa trường ĐHNT và CSCI không chỉ góp phần gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, nâng cao năng lực của mỗi bên mà còn nhằm phát triển và chuyển giao những trí thức tiên tiến vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA là đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, và là tổ chức Việt Nam đầu tiên xuất khẩu công nghệ giáo dục ra nước ngoài. Với uy tín về chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu FTU, trường ĐHNT hợp tác với TOPICA trong việc phát triển chương trình đào tạo từ xa chất lượng cao, góp phần xây dựng xã hội học tập trong thời đai Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Vietnam Silicon Valley là đề án của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam hướng đến tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Với cộng đồng sinh viên và cựu sinh viên sáng tạo có tinh thần dấn thân khởi nghiệp, trường ĐHNT là một trong những đại học đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hướng tới trường đại học khởi nghiệp. Mô hình hợp tác giữa hai bên không chỉ huy động được những nguồn lực mới cho phát triển mà còn góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với sự tham gia chính thức của các trường đại học.

Trong khuôn khổ lễ ký kết cũng đã diễn ra buổi tọa đàm bàn tròn giữa lãnh đạo trường ĐHNT và 4 đối tác phát triển. Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề: Để một trường đại học phát triển trong thời điểm hiện tại và tương lai thì cần phải làm những gì?; Những sự hợp tác này sẽ có đóng góp gì cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?; Để hiện thực hóa những thỏa thuận được ký kết ngày hôm nay, trường ĐHNT và các đối tác sẽ khai thác và tận dụng thế mạnh của mình như thế nào?; Lý do tại sao các đối tác lại chọn trường ĐHNT để gắn bó, cùng phát triển? và Nhà trường kỳ vọng gì từ các mối quan hệ hợp tác này?.

Bốn mô hình hợp tác với bốn đối tác phát triển không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường mà còn tạo ra những mô hình, phương thức hợp tác mới. Buổi lễ ký kết chính là những bước khởi đầu mở ra rất nhiều hành trình kết nối, hợp tác, phát triển đầy tiềm năng của ĐHNT.

Với tâm huyết phát triển của một cơ sở giáo dục uy tín hàng đầu, với nỗ lực mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, trường Đại học Ngoại thương tin tưởng sẽ kết nối thành công và mang lại những giá trị hợp tác bền vững. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước trên hành trình hội nhập, vươn ra biển lớn.